Nhưng mấy ai ngờ, phải mất thêm tới hai thập niên, cái đường giới tuyến quân sự tạm thời vốn “hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ” (Điều 6 Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva ngày 21/7/1954) nghiệt ngã kia mới có thể được xóa bỏ, sau cả một cuộc trường chinh nữa - lựa chọn bắt buộc dành cho toàn dân tộc.
1 Sự tồn tại của “Vĩ tuyến 17”, cũng như của sông Gianh thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, hiển nhiên là một nỗi đau hằn vào lịch sử đất nước. Nỗi đau ấy có thể khiến một “văn nhân tài tử” xem việc xuống tàu vào nam như “vụ đi chơi bậy bạ để tiêu sầu khiển hứng” là Vũ Bằng (Bốn mươi năm nói láo), sau này, từng chữ từng câu đều chất chứa nỗi niềm rỉ máu: “Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: Tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo…”. Ông, trên tư cách là chứng nhân thời cuộc, cũng chính là người chỉ rõ từ bên kia giới tuyến: Chính quyền Ngô Đình Diệm đã không chỉ một lần khước từ đề nghị hiệp thương Tổng tuyển cử mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tới. Đi ngược lại ý chí và ước nguyện của toàn dân tộc, qua 20 năm, điều mà chính quyền Sài Gòn luôn ráo riết thực hiện là chia đôi đất nước.
Vậy thì, nỗi đau ấy, đối với những người chiến sĩ lên tàu đi tập kết, cũng như gia đình của họ - những người kề vai nhau làm nên hình ảnh mang tính biểu tượng: Giơ cao hai ngón tay vẫy chào nhau, như hẹn ngày về sau hai năm - sẽ còn phải nhân lên biết bao nhiêu lần?
Trên thực tế, ngay ngày 25/7/1954, Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng đã chỉ rõ: “Không nên quên rằng đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và tay sai của chúng đang tìm mọi cách phá hoại đình chiến, phá hoại việc củng cố hòa bình ở Đông Dương”, đồng thời sớm tiên liệu: “Nhưng nhân dân ta còn phải đấu tranh đòi đối phương thực hiện đúng những gì đã ký kết và tiếp tục đàm phán với ta để giải quyết những vấn đề còn lại” (Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ – Văn kiện Đảng. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, bản in năm 2014).
2 Không còn nghi ngờ gì nữa, việc ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 “là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng” (sđd). Thắng lợi ấy cũng chính là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của cả ba nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia trên bán đảo Đông Dương, khi hòa bình được lập lại trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn. Thắng lợi ấy là mốc son rạng rỡ, đánh dấu vị thế vươn dậy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế, về cả quân sự lẫn chính trị, ngoại giao.
Song, hình ảnh hai mầu sơn phủ cầu Hiền Lương, và cảnh “bến cách sông ngăn” nơi Bến Hải trong những năm tháng ấy, thì đến bây giờ những thế hệ kế tiếp nhìn lại, vẫn mãi thấy đầy day dứt.
Có không ít yếu tố để cho dù đoán trước được những diễn biến xấu trong tình hình thực thi Hiệp định Geneva 1954, chúng ta vẫn phải tạm thời chấp nhận nỗi day dứt đó, những niềm đau khôn nguôi đó, nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng hiện thực hóa chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Có thể kể tới sự can dự và toan tính thỏa hiệp của các trung tâm quyền lực quốc tế, hay việc sau chín năm kháng chiến anh dũng tràn ngập hy sinh, gian khó, chúng ta cũng cần một chặng nghỉ nhằm tái xây dựng tiềm lực cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng như giai đoạn 1945-1946 trước ngày Toàn quốc kháng chiến, yếu tố then chốt để Đảng ta kêu gọi toàn quân, toàn dân nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định Geneva vẫn là tư tưởng ngoại giao cốt lõi mang tính nhân văn trong Thời đại Hồ Chí Minh: Luôn ưu tiên các giải pháp hòa bình, nếu nhờ điều đó mà tránh được chiến tranh. Điều này cũng được nêu rõ trong Lời kêu gọi ngày 25/7/1954: “Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Song cũng như đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị nhất định phải trường kỳ gian khổ mới đạt được thắng lợi hoàn toàn”. Trong tư tưởng của Đảng ta, việc chấp nhận hiện hữu một giới tuyến quân sự tạm thời không bao giờ mang ý nghĩa là “chia cắt đất đai”.
3 Chỉ đến khi không còn cách nào khác là hành động, trước dã tâm không che giấu của địch, muốn biến “Vĩ tuyến 17” thành lằn ranh vĩnh viễn chia cắt đất nước, cũng là khi miền bắc Xã hội chủ nghĩa đã đủ sức cáng đáng vai trò “hậu phương lớn” hỗ trợ miền nam “Thành đồng Tổ quốc”, đấu tranh vũ trang mới được Đảng ta đưa trở lại, song hành cùng các “mũi giáp công” khác như chính trị hay ngoại giao, nhất quyết thu non sông về một dải, cho dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.
Ý chí đó đã được hun đúc ngay từ những ngày đầu đất nước bị chia đôi, bằng nỗi nhớ thương và tình cảm quyến luyến của mọi trái tim đồng bào dành cho nhau, từ nam chí bắc. Nó vang vọng trong âm hưởng chung của những khúc ca mà đến hiện tại ai nghe cũng vẫn thấy gai người, như “Nhắn ai luôn giữ câu nguyện/Qua cơn bão tố vững bền lòng son” (Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp); “Mênh mông lời ca câu hò thương nhớ/Vang về miền nam quê ta” (Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ) hay “Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra/Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang/Qua núi biếc trập trùng xa xa/Qua áng mây che mờ quê ta/Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha” (Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt).
Những khúc ca đó, tinh thần đó, niềm tin son sắt đó, ngay trong gia đình người viết (một gia đình tập kết từ chiến khu Bình Trị Thiên về Thủ đô Hà Nội), cũng luôn ngân vang. Cho đến tận ngày đại thắng, ngày những mái đầu đã bạc phơ sau hai mươi năm chứng kiến “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu) òa vỡ niềm vui sum họp một nhà…