Thước đo cho việc "xanh hóa"

Giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất, thương mại, nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Do đó, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics.
0:00 / 0:00
0:00
Việc sử dụng xe điện trong hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN
Việc sử dụng xe điện trong hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Logistics xanh ở Việt Nam

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP).

Được xem là phương thức vận tải thân thiện với môi trường, nhưng phương thức vận tải đường sắt tại Việt Nam chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng khai thác; trong khi đó, tỷ lệ xe tải trống chiều về khá cao đang là vấn đề đối với vận tải bằng đường bộ. Theo một kết quả khảo sát gần đây của Bộ Công thương, có 40,3% số doanh nghiệp khảo sát cho biết có tỷ trọng phương tiện vận tải trống chiều về ở mức 10-30%. Cá biệt, có tới 13% số doanh nghiệp có tỷ trọng phương tiện vận tải trống chiều về ở mức hơn 50%.

Mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên. Cốt lõi của xu hướng này là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống. Chính vì vậy, logistics xanh là mục tiêu đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi.

Tại Việt Nam, Tân Cảng-Cát Lái tại TP Hồ Chí Minh là cảng đầu tiên đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Kinh nghiệm xanh hóa cảng biển của doanh nghiệp là: ứng dụng công nghệ 4.0, thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm khoảng 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU (thay thế được khoảng 2.000 ô-tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn sáu phút…

Hay như mô hình "Bưu cục di động" của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ…

Nhận thức là yếu tố then chốt

Hiện nay, trong hệ thống khung pháp lý về tăng trưởng xanh trong hoạt động vận tải, Chính phủ ở nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những chính sách, văn bản cụ thể. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải với mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.

TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Thương mại khuyến nghị: Để phát triển logistics xanh, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, cần tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức, chú trọng vận tải thủy nội địa; hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh; cần có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có thước đo chung cho logistics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh. Chỉ số này sẽ hỗ trợ kiểm soát hoạt động logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh một cách thường xuyên, từ đó xây dựng những giải pháp và hiệu quả.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về vai trò phát triển logistics xanh trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình; xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistics xanh; cải tiến chất lượng phương tiện vận tải, sử dụng phương tiện vận tải mới, thân thiện với môi trường… Thực tế hiện nay, ngày càng có nhiều thị trường lồng ghép các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, thương mại. Việc xanh hóa hoạt động logistics không chỉ là trách nhiệm, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.

Trước thách thức lượng phương tiện giao thông đô thị ngày càng tăng dẫn đến ùn tắc, ô nhiễm không khí,… ở góc độ nhìn nhận của doanh nghiệp, bà Fion Ng - Giám đốc vận hành, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW cho rằng: Chúng ta cần nhìn nhận và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển khác trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, từ đó làm cơ sở áp dụng cho phù hợp đặc điểm và tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Cụ thể, các công bố về sáng kiến xe điện của các công ty logistics châu Á-Thái Bình Dương đã từng bước đem về nhiều kết quả đáng khích lệ trong nỗ lực tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0".

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2022 của Bộ Công thương, chỉ có 31% số doanh nghiệp logistics được khảo sát có sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi; 26,8% số doanh nghiệp logistics không có chiến lược phát triển xanh; 35,2% số doanh nghiệp không có hoạt động kiểm soát môi trường…