Cần chương trình chống ngập bài bản

Cứ sau mỗi đợt mưa to kéo dài là một số địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lại thành… biển nước.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là tồn đọng qua nhiều năm, đặt câu hỏi lớn cho sự tồn đọng của việc giải quyết. Nó cũng giống như cảnh mưa to, cấp tập trong thời gian ngắn là lại úng lụt cục bộ ở ngay nhiều khu vực trong nội thành do hệ thống cống không thoát kịp, cộng với một số hồ nước đã đầy ứ. Những ngày trước đây chưa lâu, khu vực phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) bị mưa vẫn “dính” ngập úng dù có những con đường lớn rộng, vẫn còn những hồ nước, thậm chí vẫn tiếp giáp với một số cánh đồng, vườn tược. Cũng mới đây, chúng tôi đi trên đường cao tốc về khu vực Pháp Vân gần đến điểm đầu đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, nhận thấy mưa to nước còn tràn cả lên mặt đường, trong khi hai bên vẫn là những chuỗi hồ ao, cánh đồng chạy dài.

Điều đáng ngạc nhiên đến khó hiểu là dù thời gian qua đã phát triển nhiều khu vực đô thị mới, các con đường mới phẳng phiu, bề thế với đầy đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống cống chạy ngầm có kết nối với nhau, với sông, hồ… nhưng vẫn phát sinh thêm những điểm úng ngập mới. Cũng như, những con đường mới gần kề với địa bàn thoát nước thuận tiện lại trở thành nơi nước ứ đọng lại. Và đáng lo ngại hơn nữa là với những địa bàn “ngập kinh niên” như ở Chương Mỹ kia, thì các đơn vị chức năng vẫn chưa có những biện pháp giải quyết dứt điểm những tồn đọng này để giảm bớt những bất cập ảnh hưởng tới đời sống của người dân nơi đây.

Cần lắm cuộc “đại phẫu” hệ thống thoát nước với mục tiêu giải quyết hiệu quả hơn, triệt để hơn tình trạng úng lụt trên địa bàn Thủ đô, nơi vẫn luôn có những sông lớn, sông nội thành, nội thị, ngoại thành kết nối nhau khắp các địa phương, cùng với nhiều hồ ao, kênh mương. Cũng như, nơi mà hệ thống cống ngầm vẫn được xây dựng theo các con đường mới liên tục mở ra. Đặc biệt là để khắc phục tình trạng nhiều địa bàn dân cư khỏi cảnh dầm nước kéo dài nhiều năm qua. Ý tưởng, giải pháp thuộc về các chuyên gia, các nghiên cứu kỹ thuật, nhưng nhìn về đại thể, phải chăng lối thoát hẹp thì phải khơi thông ra, làm cho rộng hơn? Tắc chỗ nào phải thông chỗ ấy? Hướng thoát và độ dốc của hệ thống thoát nước phải thấp dần ra các hồ ao, kênh mương, sông ngòi? Và với những vùng đất trũng thấp, dễ tụ nước thì phải nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ thông minh, tiên tiến hơn cho việc thoát nước nhanh, ngăn nước tràn vào khu dân cư “từ sớm, từ xa”… Cần lắm những giải pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt để giúp cải thiện tình trạng thoát nước mỗi khi mưa to, bão lớn đổ về.