Chính sách với người có công

Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, thực tế tiếp tục phản ánh những điều tích cực.
0:00 / 0:00
0:00

Đó là những việc làm trân trọng trong cộng đồng xã hội khi có nơi vận động, đóng góp xây nhà thờ cho liệt sĩ không còn người thân, không có người nối dõi. Có trường đại học thông báo miễn học phí cho con, cháu của thương binh, liệt sĩ. Rồi những hoạt động thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng cũng được tự các tổ chức, cộng đồng, cá nhân quan tâm phát động, thực hiện. Từ phía các cơ quan chức năng, việc triển khai phương pháp mới dựa trên AND nhằm xác định danh tính liệt sĩ cũng là một trong những nỗ lực gợi lên niềm tin nhanh hơn, chuẩn xác hơn, chu đáo hơn trong công tác lâu dài đi tìm mộ liệt sĩ, tìm lại tên cho liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Còn các hoạt động của cơ quan, đoàn thể tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ thì vốn vẫn được thực hiện tích cực, ân tình.

Hiệu quả đó, cùng với những hành động, việc làm ân nghĩa xuất hiện nhiều hơn trong đời sống, lại đặt trong bối cảnh kinh tế, xã hội đất nước có những chuyển biến phục hồi và tăng trưởng tích cực, văn hóa đang tiếp tục được chấn hưng, đề cao, đang gợi mở ra những kỳ vọng và cơ hội cho việc phát huy, nâng cao chính sách với người có công nói chung.

Theo đó, với những mức độ hỗ trợ, bồi dưỡng thương binh; hỗ trợ gia đình, con em liệt sĩ như đã thực hiện nhiều năm qua, có thể nghiên cứu tăng thêm cho phù hợp với tình hình đời sống, và cũng chu đáo hơn đối với những hy sinh, mất mát vốn không thể lấp đầy, vẫn là niềm đau đáu bao năm qua của các gia đình. Các chính sách hỗ trợ, đồng hành với thương binh và con cháu thương binh, liệt sĩ nên được nghiên cứu thực hiện rộng rãi hơn, thêm ưu tiên hợp lý trong học tập, đào tạo nghề, vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất. Rồi với những tiêu chuẩn chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cũng có thể nghiên cứu nâng cao hơn, bổ sung thêm.

Nhìn rộng ra hơn nữa, với nhiều đối tượng người có công với cách mạng, như thanh niên xung phong; các gia đình nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ; những gia đình chịu tổn thất về con người trong quá trình tham gia hoạt động hoặc hỗ trợ cách mạng…, cũng rất cần được nghiên cứu nâng cao chính sách tri ân, hỗ trợ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn nhiều những gia đình, con người như thế, tiếp tục cần sự ghi nhận, tôn vinh cần thiết của Nhà nước, xã hội. Có thể bằng những hình thức chi phí, vật chất cụ thể. Có thể là những ghi nhận ý nghĩa về mặt tinh thần.

Đó là những cách làm phù hợp hoàn cảnh hiện tại và tương lai, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giáo dục thế hệ trẻ; củng cố mối đoàn kết toàn dân; cũng là vun đắp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi địa phương và cả nước.