Có rất nhiều ruộng rau hầu như sử dụng chủ yếu là phân bón hóa học và khi sắp tới ngày thu hoạch rồi vẫn phải phun thuốc trừ sâu vì nỗi lo sâu bệnh phá hại. Nhiều người chấp nhận mua giá cao hơn so thị trường và phải “đặt” trước từ những người chăn nuôi, trồng trọt quen biết mới có thể an tâm với món ăn mình chọn lựa. Thường nông sản được tiếng là “sạch” ấy mỗi khi được xuất bán đều rất nhanh hết hàng do thực phẩm được đánh giá là có hương vị thơm ngon hơn hẳn so những mặt hàng cùng loại ngoài chợ. Đáng tiếc, những thứ này thường có kênh phân phối không ổn định vì nguồn cung nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.
Có một thực tế thấy rõ là ngay ở nông thôn bây giờ người dân cũng rất thích săn đón các mặt hàng nông sản thực phẩm được tiếng là tươi ngon và “sạch” chứ chưa nói gì đến người dân ở thành phố. Tuy vậy, việc mua hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện ích đối với người dân nông thôn chưa thật sự phổ biến vì nhiều nguyên nhân như thói quen mua sắm, giá cả và độ tươi mới của hàng nông sản. Sống giữa vùng đất đai, ruộng đồng còn khá rộng lớn nhưng các loại nông sản như rau quả ít sử dụng phân bón vô cơ, không có dư lượng thuốc trừ sâu, hay thịt lợn, gà, vịt, trứng gia cầm… không chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp còn chứa chất tăng trọng, muốn mua cũng không hề dễ.
Việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản xuất ngay tại địa phương có ý nghĩa quan trọng. Đẩy mạnh tuyên truyền điều này đến người nông dân, để họ thực hiện tốt quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng cho nông sản thực phẩm là việc làm vô cùng cần thiết. Từ đây người nông dân có thể cung cấp ra thị trường những mặt hàng nông sản được dán tem, nhãn, có thương hiệu và người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết nguồn gốc xuất xứ thực phẩm mình đang dùng.
Một số địa phương trên địa bàn ngoại thành Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các trang trại chăn nuôi tiên tiến nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Mô hình này nếu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng có thể đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, nếu không muốn nói là có thể làm giàu.
Trả lời cho câu hỏi tại sao không tìm cách tạo ra những sản phẩm chính mình có nhu cầu sử dụng và bán “được giá” hơn, có lẽ không ai khác có câu trả lời tốt hơn bà con nông dân. Để “lợi cả đôi đường” nên chăng bà con cần thay đổi thói quen sản xuất, đừng vì chút lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái hại lâu dài.