Sống xanh...

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì năm nay hiện tượng La Nina đang trở lại, mưa lớn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nhất là trong những tháng cao điểm mùa mưa bão.
0:00 / 0:00
0:00

Ở nhiều nơi, những ngày qua mưa lớn đã khiến cho tình trạng ngập úng xảy ra, gây thiệt hại tài sản cũng như nhiều bất tiện cho sinh hoạt người dân. Nguyên nhân thì có nhiều, một phần do lượng nước mưa khá lớn trong một thời điểm ngắn, hệ thống thoát nước đã cũ kỹ chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Các công trình xây dựng cũng là nguyên nhân bởi vật liệu, phế liệu như gạch đá cát sỏi gây tắc nghẽn cống rãnh thoát nước. Còn một điều nữa mà nói ra thì có lẽ nhiều người sẽ bảo “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, đấy là việc xả rác thải bừa bãi gây ứ các dòng chảy dẫn đến việc tiêu thoát nước chậm, úng ngập xảy ra là điều dễ hiểu.

Chuyện xả rác không đúng nơi quy định của một bộ phận không nhỏ người dân giống như một “chuyện thường ngày ở huyện” vậy. Ra đường bây giờ có thể bắt gặp việc vứt rác bừa bãi thường xuyên, rất nhiều người tiện đâu bỏ đó, gốc cây, chân cột điện, trên đường đi, bên ngoài thùng rác thậm chí ngay tại nơi có biển báo cẩm đổ rác. Thế nên mỗi khi mưa lớn, các túi nylon chứa rác trôi đầy đường, những thứ nhỏ hơn như hạt xốp, đồ nhựa dùng một lần, lá cây hay các loại bao bì thực phẩm… theo nước mưa dồn ứ lại ở miệng cống gây tắc. Những thứ này nếu lọt xuống cống ngầm cũng dễ dàng làm giảm tốc độ dòng chảy, trở thành tác nhân khiến tình trạng ngập úng những ngày mưa trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong khi ở rất nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng nhiều hình thức thu gom hay phân loại rác khá hiệu quả thì ở nước ta người dân chưa làm tốt việc này. Các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản, người dân dùng túi chuyên dụng để chứa từng loại rác, họ cũng dùng lưới bao quanh khu vực tập kết rác để tránh việc túi chứa rác bị nước mưa cuốn trôi vùi lấp miệng cống thoát nước. Có nơi còn làm những trụ cao gắn móc treo túi rác lên cột, ngăn chuột bọ hay các loại động vật hoang dã khác đến làm bẩn môi trường chung quanh. Những thứ có thể đốt hay tái chế đều được phân loại cẩn thận để giảm tải gánh nặng cho môi trường. Những biện pháp này cũng được nhà chức trách áp dụng song song việc phạt tiền đối với hành vi xả rác bừa bãi. Gần hơn, ở Trung Quốc, nếu người dân phân loại rác theo đúng quy chuẩn có thể nhận những điểm thưởng tương ứng để đổi quà là các nhu yếu phẩm. Còn với Indonesia, quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhất trong khu vực cũng áp dụng sáng kiến ngân hàng rác thải. Qua đó người dân có thể đổi vỏ lon nhôm, đồ nhựa hoặc bìa giấy… để lấy tiền hoặc vàng.

Việt Nam, trước khi bắt đầu lộ trình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chính thức được áp dụng thì mỗi người dân chúng ta cũng cần nâng cao ý thức trong việc tưởng như rất nhỏ là… đổ rác đúng nơi quy định. Cao hơn nữa, là hướng tới một lối sống xanh, hạn chế việc tạo ra và xả thải rác.