Tiếng lách cách của vỉa hè

Đấy là tiếng lách cách ban đầu nghe thấy vui tai khi nhiều người đi qua phố dài Kim Mã, đoạn gần Viện phim Việt Nam lên ngã tư Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Tiếng nghe như những chuỗi dài nốt cao của đàn piano, cũng gần gần như tiếng đàn gió của những thanh gỗ, tre va vào nhau.

Giật mình nhìn lại mới thấy là tiếng đá lát vỉa hè vỡ từng miếng to, nhỏ, bênh lên va đập vào nhau dưới nườm nượp bánh xe máy chạy trên hè. Cứ giờ cao điểm đầu ngày, khi đường phố này ùn ứ, một phần còn do dành diện tích cho công trường thi công đường sắt, thì rất đông người dân quá sốt ruột không chịu đi dưới lòng đường mà phi lên hè cho nhanh. Vỉa hè lát đá mới cách đây chưa lâu, theo những cuộc lát mới gần như thường xuyên, lại sớm vỡ nát. Xe cứ chạy rầm rập lên, áp lực thế đá nào chịu nổi!

Tiếng lách cách ấy ở đoạn đường Kim Mã chỉ là một thí dụ sinh động cho hàng tràng tiếng lạch cạch, cồm cộp, lịch kịch… của tiếng bánh xe “nện” xuống mặt đá, gạch vỉa hè, tiếng va đập, cập kênh của những mảnh vật liệu gãy, vỡ. Cũng là âm thanh rất thực, rất cụ thể của tài sản công bị xâm hại thường xuyên, liên tục và xuống cấp, dần sẽ thành bỏ đi một cách rất hoang phí và vô lý. Còn là nỗi ngao ngán về ý thức kém của nhiều người tham gia giao thông.

Chậm thay đổi hành động làm sao cho nghiêm chỉnh, văn minh khi đi đường; thiếu tuyên truyền sâu sát; thiếu giám sát, xử lý hiệu quả… Những nguyên cớ đó lại xúc tác cho những cuộc sửa sang, lắp đặt, lát lại vỉa hè thường sẽ ồ ạt vào dịp cuối năm. Rõ ràng mặt hè nát hết cả, không làm mới thì người dân đi lại thế nào! Thế là cái vòng luẩn quẩn, loanh quanh cứ tiếp tục quay vòng một cách… có lý!

Quay lại thực trạng ý thức kém dẫn đến vi phạm quy định giao thông, gây phá hoại trực tiếp đến tài sản công, có lẽ nên phải tính đến việc cắm cọc ngăn xe máy trên những đoạn hè còn có thể “phi” lên được. Tất nhiên là cắm thoáng thôi để người đi bộ, xe đẩy của người tàn tật vẫn đi lại dễ dàng. Ngoài ra, nên lấy hình ảnh từ camera giám sát về những hình ảnh như thế, “bêu” nhiều hơn lên tivi, báo mạng, mạng xã hội; có chỉ ra cụ thể khu vực này, phường kia, quận nọ… và gửi đến địa phương, cơ sở để biết và kịp thời xử lý, bảo vệ vỉa hè của mình. Ràng buộc trách nhiệm của chính quyền, công an, quản lý giao thông cơ sở cũng là cách hay để giữ cho vỉa hè được thoáng, sạch, bền vững, an toàn.

Vài gợi ý như vậy, gửi đến các cơ quan chức năng. Mong rằng tình trạng vỉa hè đang bị phá nát bởi xe máy chạy rầm rập hàng ngày sẽ được giảm thiểu và ngăn chặn triệt để. Nếu không thì sẽ cứ tồn tại mãi nghịch lý vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng bị chiếm dụng; vỉa hè mới nhưng lại chóng hỏng, phải lát lại; nhiều người đi đường cứ hồn nhiên vi phạm mà không coi đó là lỗi, không thấy trong sự kém văn minh, văn hóa giao thông có một phần gây ra của mình.