Nào là như mấy năm qua đã có nhiều băn khoăn về việc mua sách ngày càng tốn kém, lo một bộ cho con em để học trong năm đã là một khoản “to” trong các khoản chi việc học tập. Nào là chuyện giá sách ấy được phản ánh là có phần chiết khấu khá cao cho các đầu mối môi giới, phát hành. Rồi thì những nỗi niềm về việc sách được dùng qua mỗi năm học không dùng lại được, khiến cho mỗi học sinh phải gần như mua mới bộ sách cho mình, thật là một sự tốn kém, lãng phí không nhỏ về tiền, về giấy…
Đó là vấn đề đáng suy nghĩ của ngành giáo dục nói chung, của các sở, ngành và cụ thể đến tận các trường, các thầy giáo, cô giáo. Trong guồng quay chóng mặt của thời giá, trong đó có giá cả, dịch vụ giáo dục, đặt vào hoàn cảnh cải thiện thu nhập của nhiều gia đình còn “khiêm tốn”, thì làm sao để cân đối, giảm bớt các khoản chi, trong đó chi tiêu việc học cho con cái, đã là một sự… toát mồ hôi. Bên cạnh đó, còn là tính chất ổn định của hệ thống kiến thức, tính khoa học của phương pháp giáo dục và đòi hỏi sáng tạo trong thực hành dạy dỗ của các trường, các thầy giáo, cô giáo trên cơ sở bộ sách giáo khoa được sử dụng.
Rộng hơn, đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ. Đó là yêu cầu chung bảo vệ môi trường, giảm lãng phí nguyên vật liệu, chi tiêu tiết kiệm đối với xã hội. Đừng nên nghĩ rằng cứ đi học là phải đầu tư sách vở theo yêu cầu học tập nên cha mẹ phải lo. Cũng đừng cho rằng theo những cải tiến, đổi mới, thì sách giáo khoa phát sinh ra nhiều vấn đề như thế, phải in nhiều, phải mua nhiều, thì cũng phải đáp ứng thôi chứ biết làm thế nào!
Cần lắm những nghiên cứu nhằm giảm được số lượng sách in cho trẻ học; giảm được giá sách để bớt gánh nặng cho các gia đình mà khoản chi phí đỡ phải “chạy vào túi” các bên trung gian thứ ba, thứ tư, thứ năm… coi sách học của trẻ như một món hời phải tận dụng; cũng như tăng khả năng tái sử dụng của sách trong một quãng thời gian tương đối - ít ra là đến khi soạn mới, thay đổi sách, dùng sách nội dung khác, mới, để đỡ phải dùng một lần rồi bỏ đi luôn, thật quá lãng phí.
Số tiền, lượng giấy, công sức cho việc in ấn, mua sắm…, đó là những khoản chi khổng lồ trên vai xã hội. Cần nhìn rộng để điều chỉnh, điều tiết, giảm đi gánh nặng này. Trách nhiệm, phải chăng không nằm ngoài nhiệm vụ của các viện nghiên cứu về giáo dục, các nhóm biên soạn sách giáo khoa, các hội đồng phê duyệt, các đơn vị xuất bản, in ấn, phát hành sách… Bên cạnh quan điểm về phổ cập giáo dục, tạo điều kiện cho toàn dân được học hành, nên chăng bổ sung những chủ trương làm sao để trẻ em được học tập ở bậc phổ thông một cách thuận tiện, tiết kiệm hợp lý chứ không để việc đến trường của các em, các cháu ngày càng trở nên chật vật với mỗi gia đình.