Thúc đẩy nguồn lực xã hội cho lĩnh vực mới

Đứng trước đòi hỏi về bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, thực hiện thành công các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu, việc phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) về một số vấn đề liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương).
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương).

- Thưa ông, từ năm 2015, Việt Nam chính thức phải nhập khẩu ròng năng lượng, và quy mô nhập khẩu tăng dần. Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong cân bằng về nguồn điện cho giai đoạn tới?

Trong thời gian qua, thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn điện để kịp thời cung cấp nguồn điện cho phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20,7GW (trong đó điện gió khoảng 4GW), chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao tại miền bắc như thời điểm tháng 5, tháng 6/2021 và năm 2022.

Chính sách về năng lượng tái tạo cũng đã huy động hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính thương mại trong nước, quốc tế tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, giảm gánh nặng vốn đầu tư cho ngân sách nhà nước. Phát triển năng lượng tái tạo góp phần khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, huy động nguồn lao động sẵn có, và bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương hoàn thiện và trình Chính phủ tiếp tục đề xuất mục tiêu, giải pháp về chính sách, nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Trong Quy hoạch điện VIII, dự kiến tới năm 2030, năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 32,2-37,5% tổng cung năng lượng sơ cấp; trong đó các dự án điện gió, điện mặt trời chiếm tỷ lệ khoảng 5-5,2% tổng sản lượng điện năng cung cấp.

Thúc đẩy nguồn lực xã hội cho lĩnh vực mới ảnh 1
Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2021.

- Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, đâu là những "điểm nghẽn", cần sớm được tháo gỡ?

Thực tế cho thấy, điện gió ngoài khơi dần trở nên cạnh tranh với các nguồn điện truyền thống. Sự phát triển của nguồn công nghệ năng lượng mới này mang lại cơ hội lớn, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, như:

Về nguồn lực, dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn, yêu cầu nguồn vốn lớn đối với đầu tư lắp đặt dự án và đầu tư hạ tầng truyền tải, Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có các chỉ đạo về huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện. Song song với việc hoàn chỉnh quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế mua bán điện giữa nhà đầu tư và nhà phát triển dự án cũng cần được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, phân bổ quyền lợi, trách nhiệm hợp lý trong hoạt động mua bán điện, thúc đẩy thu hút nguồn vốn trong nước, quốc tế để phát triển dự án.

Về phát triển hạ tầng truyền tải, bên cạnh yêu cầu về giải pháp đối với quy mô, phương án đầu tư, đấu nối, truyền tải cho điện gió ngoài khơi, việc phát triển các cụm điện gió ngoài khơi quy mô lớn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với vận hành hệ thống điện, yêu cầu cơ quan điều tiết điện lực phải tăng cường các giải pháp về dự báo, kiểm soát và điều khiển hệ thống điện nhằm bảo đảm vận hành an toàn, ổn định.

Về phát triển chuỗi cung ứng, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi do có lịch sử lâu dài trong phát triển ngành dầu khí, giao thông biển, cảng biển và sản xuất thiết bị cơ khí. Vì vậy, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, yêu cầu đặt ra là phải tận dụng được nguồn lực, thế mạnh sẵn có trong nước thông qua các giải pháp về tích hợp quy hoạch phát triển cảng năng lượng; thiết lập chính sách khuyến khích, thúc đẩy năng lực lắp đặt, sản xuất thiết bị cơ khí trong nước; lập kế hoạch và đào tạo chuyển dịch nguồn nhân lực kỹ thuật cao...

Đặc biệt, việc phát triển điện gió ngoài khơi phải gắn với quy hoạch không gian biển quốc gia, nhằm xác định vùng tiềm năng cho phát triển điện gió, bảo đảm tận dụng được nguồn năng lượng tốt, tránh mâu thuẫn lợi ích với các ngành kinh tế khác như giao thông vận tải biển, khai thác, thăm dò dầu khí, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, an ninh quốc phòng... và giảm tác động đến hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, quy hoạch không gian biển đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng.

- Từ góc độ của cơ quan quản lý, Bộ Công thương sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách gì thúc đẩy thị trường điện gió ngoài khơi, thưa ông?

Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi cần được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, trực tiếp tham gia cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội; là nền tảng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giúp Việt Nam hiện thực hóa các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hình thành, học hỏi dựa trên kinh nghiệm thành công của các nước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, đề xuất khung chính sách để giải quyết các thách thức hiện nay đối với phát triển điện gió ngoài khơi; xây dựng quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất luật về phát triển năng lượng tái tạo,... nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí CO2.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên thế giới đã đạt 55,7GW năm 2021. Công nghệ điện gió ngoài khơi đã đạt được các bước tiến đáng kể, hiệu suất tăng nhanh, chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn 2010-2021.