Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Thuận quản lý, lợi cho dân và tiết kiệm

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là một trong ba dự án luật vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Thuận tiện cho quản lý, nhưng phải bảo đảm quyền bí mật đời tư của công dân và không gây lãng phí nguồn lực xã hội; đó là ba yêu cầu cơ bản được đặt ra đối với đạo luật này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh:THANH TRÚC
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh:THANH TRÚC

Giảm giấy tờ, nhưng có tăng "lộ, lọt"?

Trước đó, không phải đã không có những băn khoăn về tính cấp thiết của việc sửa đổi luật, bởi một chiến dịch quy mô chưa từng có nhằm cấp đổi căn cước công dân vừa tiến hành trên toàn quốc. Hơn thế, nhiều quy định trong dự thảo mới có gây ra những lo ngại về lộ, lọt thông tin cá nhân.

Theo dự thảo tờ trình của Chính phủ về dự án sửa đổi Luật Căn cước công dân (CCCD), cơ quan chức năng sẽ tích hợp, xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số với CCCD để 100% số tài khoản định danh điện tử được tạo lập đồng bộ. Cùng với đó, CCCD sẽ từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là với một số giấy tờ như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức. Xa hơn nữa, sẽ nghiên cứu, triển khai thí điểm việc ứng dụng các tính năng, tiện ích có sẵn của chíp điện tử trên CCCD đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng như mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử; tài chính, viễn thông, điện, nước; ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…

Đặc biệt, lần sửa đổi này, Bộ Công an cũng đề xuất cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Không nghi ngờ gì, việc tích hợp vào một thẻ nhiều thông tin như vậy có thể giảm đáng kể lượng giấy tờ, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự. Thế nhưng, "mặt trái của tấm huân chương" là ở chỗ việc đưa nhiều thông tin cá nhân, liên quan đến bí mật đời tư, như BHXH, BHYT, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp gắn với quyền con người, quyền công dân, rất có thể dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.

Quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi cũng rất đáng được cân nhắc, do đây là độ tuổi trẻ em phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt nên thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác. Trong khi đó, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là các giao dịch đòi hỏi phải có CCCD; trong khi việc cấp thẻ, cho dù là theo yêu cầu tự nguyện, vẫn làm phát sinh kinh phí sản xuất thẻ và chi phí khác cho cả công dân và cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng thông tin được tích hợp trong thẻ CCCD gắn chíp đòi hỏi phải trang bị thiết bị đọc thẻ chuyên dụng, làm phát sinh chi phí đối với các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính và đơn vị sự nghiệp trong cung cấp dịch vụ công.

"Cần có sự phân tích và đánh giá tác động của các chính sách mới một cách hết sức kỹ lưỡng, bổ sung đánh giá về chi phí xã hội nói chung và ngân sách nhà nước dành cho việc này" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xây dựng hướng dẫn chi tiết, chặt chẽ

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đại diện cơ quan soạn thảo, đã dành nhiều thời gian để phân tích về tính cấp thiết ban hành luật.

Theo Bộ trưởng, Luật CCCD đã được thi hành từ cách nay gần bảy năm. Trong thời gian đó, các cơ quan chức năng có rất nhiều chỉ đạo nhằm phục vụ nhân dân. Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, toàn bộ dân số Việt Nam được quản lý trong hệ thống dân cư quốc gia thống nhất. Đây là chỉ đạo rất quan trọng. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng xác định, xây dựng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng quốc gia đồng bộ trong hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng đồng bộ, thống nhất.

"Đến nay đã giữa nhiệm kỳ. Chỉ còn ít năm nữa là tới năm 2030. Cơ sở hạ tầng này nếu không hoàn thành sớm thì rất khó đạt mục tiêu" - Bộ trưởng Tô Lâm lo lắng. Giải thích thêm về đề xuất cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận định, việc này phục vụ rất tốt cho các kỳ thi cũng như các nhu cầu chính đáng khác của trẻ em như đi máy bay, sử dụng điện thoại...

Nêu thí dụ ở nhiều nước, trẻ em mới sinh ra được cấp hộ chiếu ngay và ASEAN thì đang có xu hướng thống nhất các loại giấy tờ, theo đó người có CCCD có thể không cần hộ chiếu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Nếu trẻ dưới 14 tuổi được cấp CCCD thì công tác quản lý sẽ vô cùng tiện lợi. Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này, không để có khoảng trống trong quản trị xã hội".

Bộ trưởng cho biết thêm, nếu đề xuất được Quốc hội thông qua thì CCCD của trẻ em cũng sẽ không làm theo thời hạn như người lớn. Do đặc trưng phát triển của trẻ em nên sau 5 năm, phải thay đổi CCCD một lần.

Cho đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ chấp nhận đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Từ nay cho đến lúc dự án luật được thông qua, còn phải có nhiều lần bổ sung, chỉnh lý. Hơn thế nữa, theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật, dự thảo nghị định hướng dẫn cũng sẽ phải được trình ra Quốc hội đồng thời với dự thảo luật để các nhà lập pháp hình dung rõ nhất, đầy đủ nhất về tác động xã hội của đạo luật mới, từ đó đưa ra quyết định "bấm nút" hay chưa. Trong đó, những nội dung rất mới, như cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi hay tích hợp thông tin, cần được tính toán rất kỹ.

Chẳng hạn, cần quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em dưới 14 tuổi để ghi nhận trong CCCD; xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định. Hoặc khi thực hiện tích hợp thông tin thì chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp cho những cơ quan nào để phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan. Điều này có liên quan đến cả việc thực hiện trang bị, cấp phát những công nghệ và thiết bị cần thiết… Tất cả những điều này đều đòi hỏi không ít kinh phí và không thể làm một sớm một chiều.