Thủ lĩnh “nhà nông” thời @

Đam mê ruộng đồng, người nông dân Hồ Sĩ Quảng (sinh năm 1961) ở xã Thọ Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã biến đầm hoang thành bờ xôi ruộng mật để trồng lúa theo phương pháp mới. Mỗi vụ mùa, ông Quảng thu lãi ròng hơn một tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Hồ Sĩ Quảng (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn xã viên làm phân vi sinh cho giá thể mạ.
Ông Hồ Sĩ Quảng (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn xã viên làm phân vi sinh cho giá thể mạ.

Ông còn hồi sinh một hợp tác xã và phát triển nó thành kiểu mẫu để giúp bà con các loại giống, vật tư, phân bón, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, tín dụng nội bộ...

Giấc mơ từ cánh đồng xứ người

Hồi đi học, Hồ Sĩ Quảng nuôi ước mơ thành kỹ sư nông nghiệp. Nhưng gia đình anh bấy giờ quá khó khăn, mẹ mất sớm, nhà có đến tám anh chị em. Quảng phải ở nhà làm lụng giúp bố, nuôi các em ăn học và tham gia công tác địa phương.

Làm cán bộ thôn một thời gian, Quảng xin nghỉ đi xuất khẩu lao động. Hơn 10 năm mưu sinh ở Hungary, Quảng trở về với ruộng đồng. “Quê hương cứ đau đáu trong tôi suốt chặng đường nơi xứ người. Ở Hungary, có những ngày nhàn rỗi, tôi đi đến các tỉnh chơi để ngắm nông dân làm nông nghiệp. Chỉ một lao động nhưng điều khiển được nhiều loại máy móc và làm hàng chục mẫu ruộng mà hiệu quả rất cao, tôi mê lắm, nuôi mơ ước sau này về có một vùng đất, một cánh đồng thật lớn...”, ông Quảng bộc bạch.

Năm 2011 về nước, may mắn, năm 2013, nhân dịp địa phương thực hiện nghị quyết về dồn điền đổi thửa, ông Quảng làm đơn xin nhận vùng đầm hoang rộc Dứa, năn lác ken dày để trồng lúa. Lúc đầu ai cũng cho là gàn. Vùng rộc Dứa nổi tiếng ma thiêng với những tin đồn rất rùng rợn, ai nghe đến cũng phải giật mình. Vả lại, nơi này khi mưa xuống là ngập lụt, mùa nắng nóng thì khô hạn, đất cứng như đá, không làm ăn được gì cả. Thế nhưng, ông Chu Minh Lý, Chủ tịch UBND xã ngày ấy thấy được ý tưởng táo bạo nhưng có cơ sở khoa học, đã vỗ vai ông Quảng cười: “Dũng cảm lắm! Cố lên anh nhé. Có khó khăn gì xã sẽ ủng hộ!”.

Ông Quảng nhận được 17 ha đất, lòng khấp khởi mừng vui. Ông ra rộc Dứa dựng lều và bắt đầu phát dọn năn lác, bụi gai, san cồn đá, cồn sỏi… Ngoài thuê máy múc, máy húc để cải tạo, thì chủ yếu làm bằng tay. Hai vợ chồng làm ngày, làm đêm, hai bàn tay phồng rộp, bóc da, ứa máu; đêm nằm nghe ếch nhái kêu, nhiều khi nghĩ cũng nản, nhưng đã “cưỡi lên lưng hổ” là phải phi thôi! Hơn một năm trời mới cải tạo được xong vùng rộc Dứa, ông Quảng xây dựng hệ thống tưới tiêu; đầu tư máy móc; mời các công ty giống về kiểm tra độ pH trong đất để cải tạo. Từ đây, giấc mơ làm nông nghiệp theo phương pháp mới bắt đầu được thực hiện.

Chủ tịch UBND xã Thọ Thành Võ Thành Đồng: “Anh Quảng là một nông dân năng động, táo bạo và sáng tạo. Việc anh nhận 17 ha đất xấu của xã là rất dũng cảm. Nếu anh không nhận thì diện thích đất đó đến nay vẫn đang còn bỏ hoang. Anh Quảng còn ra tay hồi sinh cho HTX. Hiện nay HTX Thọ Thành được đánh giá là HTX kiểu mẫu”.

Thành công từ quy trình đồng bộ, khép kín

Ông Quảng người tầm thước, khuôn mặt hiền lành chân chất, nhưng qua cách trò chuyện, thấy ông hiểu biết sâu rộng, nhất là về nông nghiệp. Vụ lúa đầu tiên, ông đã thu lãi hơn 400 triệu đồng; tiếp theo vụ hè thu năm 2015 lãi 600 triệu đồng. Trước nay, nông dân nơi đây cho rằng trồng lúa không có lãi, chưa nói gặp lúc sâu bệnh, hạn hán, mất mùa đói kém. Một vụ lúa lãi mấy trăm triệu quả là hiếm có.

Lý giải về điều này, ông Quảng phân tích, riêng thửa ruộng lớn 17 ha, tiết kiệm được việc đi lại và thuận tiện trong sản xuất. Cái đó quy ra tiền cũng đã lãi hàng chục triệu đồng. Tiếp đến khâu làm đất, nếu thuê lao động cày bừa 17 ha sẽ mất khoảng 50 triệu đồng, còn anh có máy móc tự sản xuất thì chỉ mất 10 triệu đồng tiền dầu, như thế lãi 40 triệu đồng tiền công. Điều đặc biệt nữa là ông đã nghiên cứu và thực nghiệm thành công làm giá thể bắc mạ theo công nghệ mới, dùng đất đỏ bazan kết hợp mùn cưa ủ hoai, trộn với các loại phân vi sinh rồi cho lên khay để bắc mạ. Trước đây, một sào phải bắc hai cân giống nhưng nay chỉ 1,2 cân, thời gian chỉ mất 12-15 ngày là cấy, tiết kiệm được giống, thời gian, giảm thiểu sâu bệnh, cây lúa phát triển tốt...

Ông Quảng nhẩm tính: Hiện nay, nếu thuê người cấy một sào là hơn 400 nghìn đồng, còn tôi cấy bằng máy, tính ra 17 ha ruộng, tôi đã lãi hơn 50 triệu đồng tiền thuê cấy. Ngoài ra còn tiền vật tư, phân bón, tôi liên hệ lấy tận gốc, với số lượng lớn, giảm được hàng chục triệu đồng. Tiếp nữa là lúa thu hoạch xong có công ty giống đến tận nơi thu mua lúa tươi… Mọi thứ cộng lại sẽ lãi gấp nhiều lần so làm thủ công manh mún. Quan trọng nữa là kỹ thuật trồng lúa. Tôi đã tìm sách vở, lên mạng nghiên cứu và mời cả kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn. Chính mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, một loại giống với quy trình đồng bộ, khép kín đó đã giúp tôi thành công.

Thủ lĩnh “nhà nông” thời @ ảnh 1

Ông Hồ Sĩ Quảng kiểm tra quá trình tăng trưởng của cây lúa.

Lại nuôi giấc mơ ghi danh gạo Thọ Thành

Giấc mơ có cánh đồng lớn đã trở thành hiện thực, nhưng không dừng lại ở đó. Vào đầu năm 2014, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thọ Thành giải thể khiến bà con băn khoăn vì phân bón, vật tư, kỹ thuật nông nghiệp mọi người đều trông cả vào đó. Sau khi HTX giải thể, bà con đã bị tư thương ép giá. Ông Quảng đã suy nghĩ rất nhiều và đã đứng ra xin xã thành lập HTX mới.

Ngày 7/9/2015, HTX mới do Hồ Sĩ Quảng làm chủ nhiệm được thành lập, lúc đầu chỉ có 20 thành viên tham gia. Chủ nhiệm Quảng phải “dân vận” vất vả, xã viên mới tham gia ngày càng đông, hiện đã phát triển lên 1.000 xã viên cùng các dịch vụ nông nghiệp trọn gói cho người dân trong vùng, nhất là việc bắc mạ giá thể, cấy bằng máy, làm đất và thu hoạch bằng máy... Ông Quảng cho hay: “Chúng tôi đã có hàng nghìn đơn đặt hàng cho vụ đông xuân sắp tới. Ngoài ra HTX còn phục vụ bà con các loại giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật nông nghiệp, tín dụng nội bộ...”.

Hiện nay HTX có năm loại dịch vụ: Tín dụng nội bộ, xây dựng, vệ sinh môi trường, chuỗi liên kết cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi chăn nuôi giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Phương tiện thì có 16 máy cấy, hai máy cày, một máy gặt, 80 nghìn khay mạ, hai máy gieo hạt. Vụ đông xuân và hè thu vừa qua, HTX đã làm hơn 1.000 ha lúa. Riêng chăn nuôi từ năm 2018 đến nay cho hiệu quả cao với hơn 10 nghìn con lợn, 100 nghìn gia cầm. Ngoài ra, HTX còn cung ứng 500 tấn phân, 40 tấn giống cho thành viên. Mỗi năm, HTX đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng trong đó lợi nhuận khoảng 10%. Sau khi trả lợi tức một tỷ đồng, trích quỹ dự phòng 300-500 triệu đồng, HTX trả lương 20 triệu đồng/tháng cho sáu người trong Hội đồng quản trị gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán, kiểm soát…

Anh Nguyễn Thanh, một xã viên bình luận: Nếu không có HTX làm “bà đỡ” thì tư thương sẽ ép giá bà con, thí dụ: làm đất với giá 250 nghìn đồng/sào, trong khi HTX có 160 nghìn đồng; cấy tay 400 nghìn đồng/sào mà chẳng có gì kèm theo, trong khi HTX vừa cấy vừa cung cấp mạ chỉ 390 nghìn đồng/sào; gặt 200 nghìn đồng/sào, trong khi HTX chỉ 170 nghìn đồng. HTX còn bao tiêu mỗi năm hàng nghìn tấn lúa tươi cho bà con, giá bán cao mà không phải sấp ngửa chạy mưa như trước. “Mới đây, nhà máy gạo TH vụ đầu đã đăng ký mua 200 tấn thóc của HTX chúng tôi. Từ khi có anh Quảng làm chủ nhiệm, bà con xã viên rất phấn khởi vì đã sống được và bắt đầu làm giàu bằng nghề nông”, anh Thanh tâm đắc.

Hỏi về những dự định trong tương lai? Chủ nhiệm Hồ Sĩ Quảng cho biết: Hiện nay chúng tôi đang xây dựng thương hiệu gạo Thọ Thành với mong muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Làm được điều này rất khó, nhưng chúng tôi đã và đang thực hiện!