Theo TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, từ nay tới năm 2020, nhân lực CNTT thiếu hụt ở thành phố sẽ lên tới hàng vạn. Trong khi đó, mỗi năm trường này hay Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH)… chỉ có khoảng 500 - 600 cử nhân tốt nghiệp.
Khảo sát sự tăng trưởng ở một số DN CNTT, thì thấy những nhận định trên có lý. Thí dụ như ở Công ty KMS Việt Nam, thành lập năm 2009, đến nay đã phát triển tới 900 nhân viên, với tuổi đời trung bình 25. Công ty Giải pháp VMT vừa tốt nghiệp vườn ươm ở Công viên phần mềm Quang Trung, đã có số nhân viên lên tới 40… Theo ThS Văn Thị Bích Ty, Trưởng Ban truyền thông HCA, qua khảo sát, con số học sinh tham gia ứng tuyển vào ngành CNTT những năm gần đây không còn sôi động. Có thể do công tác truyền thông về ngành chưa tốt, sự cạnh tranh từ nhiều ngành học khác, những khó khăn về tài chính trong đào tạo, và cũng phải tính đến một bộ phận học sinh giỏi của thành phố ra nước ngoài học tập… Điều đó thật sự rất đáng lo!
2/ Mới đây, HCA phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông thành phố, có sáng kiến làm cầu nối DN và nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT với các mục tiêu về hiệu quả: DN sẽ được nguồn nhân lực mình cần, cả về số lượng cũng như chất lượng đào tạo theo những dự án đặc thù của mình; các nhà trường sẽ đào tạo theo những chỉ tiêu thực tế, bằng những chương trình học rất cụ thể, đào tạo đúng cái thị trường cần, và còn được hỗ trợ trong các hoạt động hội thảo khoa học, hướng nghiệp… từ phía DN; sinh viên sẽ có việc làm ngay khi ra trường, thậm chí ngay từ khi còn đi học, với thu nhập khá cao và ổn định; về tổng thể, xã hội sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được cả những mục tiêu lớn như xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, công dân số và giảm bớt gánh nặng chi phí trong đào tạo…
Theo PGS, TS Võ Đình Bảy, Trưởng khoa CNTT - HUTECH thì khi hợp tác, ông nắm được ý kiến phản hồi của DN. Đó là một số cử nhân ra trường không yên tâm làm việc theo dự án của DN, chỉ muốn làm khởi nghiệp (start up). Và khi thất bại trong start up, họ mới quay về. Thầy Bảy cũng cho biết, hiện nay, các DN có quan điểm chỉ tuyển những nhân lực họ cần, thậm chí tuyển ngay từ khi đi học thông qua cam kết học bổng và nghĩa vụ đi làm trả nợ, chứ không tuyển những người xuất sắc nhất. Thực tế này, cũng như nhiều hạn chế khác trong đào tạo CNTT, rất cần được chú ý nếu sáng kiến hợp tác được triển khai thành các chương trình cụ thể.