Những người bị suy giảm thị lực thường sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển phổ thông như gậy dài và chó dẫn đường. Tuy nhiên, chúng thường đi kèm với một số hạn chế về tính hiệu quả. Bởi vậy, sử dụng kết hợp các phương án chính là mục tiêu nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm phục hồi thị lực Massachusetts Mass Eye and Ear.
“Di chuyển độc lập là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người khiếm thị, nhưng họ phải đối mặt nguy cơ va chạm vào chướng ngại vật nhiều hơn khi tự mình đi bộ. Mặc dù nhiều người khiếm thị sử dụng gậy dài để phát hiện chướng ngại vật, nhưng rủi ro va chạm không được loại bỏ hoàn toàn. Chúng tôi đã tìm cách phát triển và thử nghiệm một thiết bị thông minh có thể tăng hiệu quả khi kết hợp các thiết bị hỗ trợ khác, nâng cao hơn nữa độ an toàn của người dùng”, TS Gang Luo - giảng viên Nhãn khoa tại Trường đại học Y Harvard cho biết.
Theo đó, thiết bị do TS Luo và TS Shrinivas Pundlik - chuyên gia thiết kế thuật toán thị giác trên máy tính, cùng các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm phục hồi thị lực tạo ra có khả năng ghi dữ liệu kèm một camera góc rộng gắn trước ngực. Thiết bị này còn có hai dây đeo cổ tay kết nối Bluetooth. Máy ảnh được kết nối với bộ phận xử lý hình ảnh, sau đó phân tích nguy cơ va chạm dựa trên chuyển động tương đối của các vật thể đến và chung quanh phạm vi của camera. Nếu một vụ va chạm được phát hiện sắp xảy ra ở bên trái hoặc bên phải, vòng đeo tay tương ứng sẽ rung. Nếu va chạm trực diện cả hai dây đeo tay đều rung. Thiết bị mới cũng phân tích chuyển động và cảnh báo nguy cơ va chạm giữa người khiếm thị với các chướng ngại vật mà họ đang đến gần.
Tới đây, TS Luo và nhóm của mình sẽ cải tiến sức mạnh xử lý thông tin và nâng cấp camera, giúp thiết bị nhỏ hơn và thẩm mỹ hơn. Với nguồn kinh phí bổ sung, nhóm kỳ vọng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sớm phê duyệt thiết bị để đưa vào thực tế.