Thân phận tưởng tượng trong “Người mê”

Dường như “Người mê” không dụng công mổ xẻ thân phận con người, tâm sinh lý, hay tình yêu tuổi già như kiểu Tình yêu thời thổ tả của G.G.Mác-két. Điều mà nhà văn quan tâm đến là liệu con người được phép tưởng tượng đến đâu…

Thân phận tưởng tượng trong “Người mê”

Người mê (NXB Hội Nhà văn năm 2016) là một cuốn tiểu thuyết ngắn, có cốt truyện khá đơn giản. Kết hợp ngôi kể thứ ba nhưng mang điểm nhìn bên trong, nhân vật trung tâm là một người già vừa về hưu. Cả đời “ông” chưa bao giờ thật sự được yêu và biết yêu, chưa bao giờ dám phản kháng lại bất kỳ ai, khi nào cũng cảm thấy khoảng cách với thế giới, ngay với gia đình, ông cũng có xu hướng cách ly, muốn cô độc. Đến khi về hưu, phải đối diện với chính mình và nỗi cô đơn bản thể, ông mới nhận ra mình khiếm khuyết và cần điều gì. Đó chính là tình yêu. Người vợ không mấy để lại dấu ấn trong đời ông, do một cuộc hôn nhân chớp nhoáng sặc mùi toan tính đã sớm qua đời khi ông chưa về hưu. “Vợ ông mất mới hơn một năm nhưng ông xa đàn bà lâu rồi, từ khi vợ ông bị bệnh và thậm chí trước cả thời điểm đó”. Chuyện trai gái ăn bánh trả tiền ông vẫn có, nhưng “ông chỉ thấy hưng phấn trong chốc lát rồi lại ngập chìm trong sự tẻ nhạt của công việc”. Cô con gái lớn thì chưa bao giờ gần gũi cha, cô thuộc về một thế giới khác. Việc ông thất bại trong quá trình xin việc cho cô con gái ở thành phố càng đẩy hai cha con xa nhau. Ông mở quán cà-phê nhỏ để giải khuây, với tên gọi Cà-phê lão già ngay trong tầng một của ngôi nhà. Một quán cà-phê chỉ phục vụ cà-phê theo đúng gu của ông với khoảng 30 ghế ít ỏi. Thế rồi, ông phải lòng với cô phục vụ quán tên H, vốn chỉ mới 20 tuổi là bạn của con gái ông.

Vượt qua mọi rào cản, cấm đoán, chê cười, thử thách, hai người vẫn quyết tâm yêu nhau. Tuy nhiên, đến điểm mốc quyết định cao trào, khi ông sắp ân ái với cô, thì đột nhiên cô hỏi liệu ông có thể xin cho cô một công việc ở trên thành phố? Ông bẽ bàng nhận ra tình cảm thật sự của cô gái trẻ tên H, còn cô thì kéo quần lên bỏ ra đi và từ đó lập gia đình với một tay nhà giàu lỗ mãng. Quãng đời còn lại của ông chỉ là hoài niệm và tưởng tượng về H, tình yêu của cô, cuộc sống hôn nhân riêng của cô, gia đình mới của cô. Ông suốt ngày đi trên chuyến xe buýt cô vẫn đi, ngồi quán cà-phê trước nhà cô để nhìn về phía cửa sổ phòng cô... và tưởng tượng. Ông điên rồ lao vào phòng hộ sinh như H sinh con, để rồi sau đó suốt đời phó mặc cho các tưởng tượng. Đến khi H mang thẳng con sang quán cà-phê đối diện nhà, xin ông thôi ám ảnh cuộc đời cô, thôi ám vào gia đình cô, bởi đứa con của cô cũng có cái mụn thịt trên mặt... như ông, thì ông đã gãy vụn thế giới tinh thần. Ông đã tưởng tượng về một tình cảm khác mà H dành cho ông, rồi ông lao mình xuống giếng.

Đó là một câu chuyện bình thường, không nhiều chi tiết ấn tượng, những câu triết lý hay, những chi tiết huyền ảo, phi lý, những kỹ thuật tự sự liên văn bản hậu hiện đại như Tưởng tượng và dấu vết. Tuy vậy, Người mê vẫn là một bước tiến dài trong tư duy nghệ thuật của Uông Triều. Qua cuốn tiểu thuyết ngắn này, điều nhà văn muốn đặt ra không phải là thân phận con người, tâm sinh lý tuổi già, hay tình yêu tuổi già như kiểu Tình yêu thời thổ tả của G.G. Mác-két. Điều mà nhà văn quan tâm đến sâu xa, trừu tượng hơn, đó là liệu con người được phép tưởng tượng đến đâu? Và cuộc phiêu lưu của tinh thần trong thời đại, xã hội của chúng ta, tại sao lại là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đến mức phải giải thoát trong cái chết như vậy. Nhân vật trung tâm, thực ra không làm gì nên tội cả. Ông ta chỉ yêu H một cách chân thành mà thôi. Tình yêu làm cho ông trở thành kẻ có tội, và ông là kẻ phạm tội vì đã trót yêu. Trong một xã hội đầy định kiến, những thiết chế đạo đức Nho giáo dai dẳng, những ràng buộc về mặt quan hệ gia đình, bổn phận và trách nhiệm đeo đẳng cho đến bên kia thế giới, con người làm gì cũng được, nhưng trừ việc tự do yêu đương.

Qua tiểu thuyết này, Uông Triều đã khéo léo thách thức chúng ta trước một mệnh đề triết học. “Tôi tưởng tượng vậy tôi tồn tại”, nhưng tưởng tượng làm sao có thể dùng làm căn cứ để kiểm soát, phán xử, và luận tội một con người? Ông - nhân vật chính biện hộ cho mình: “Nhưng như thế thậm phi lý, tôi chỉ là lão già yếu đuối và bất hạnh, ông than thở. Người ta đã chế nhạo tôi và tôi chỉ ngồi đây uống cà-phê, tất nhiên tôi luôn nhìn vào bức tường, khung cửa sổ kia và nghĩ về em nhưng tôi không đột nhập vào nhà em, không dùng bất cứ phương tiện gì”. Trong thời đại của chúng ta đang sống, con người có thể bị tuyên án là có tội chỉ vì họ dám... tưởng tượng. Vậy, thời đại này là thời đại cáo phó cho những giấc mơ.

So với Tưởng tượng và dấu vết, rõ ràng Người mê kém đi nhiều về mặt cảm xúc, xung năng sáng tạo, khả năng xây dựng hình tượng và sự ám ảnh. Nhưng Người mê lại tiến thêm một bước dài mà Tưởng tượng và dấu vết đã đặt ra, tiếp tục truy vấn và suy tưởng sâu hơn mệnh đề triết học mà Uông Triều khắc khoải.