Thấm sâu lời căn dặn đối với người làm báo

Từ lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hiện thân của niềm tin yêu, hy vọng của toàn Đảng, toàn dân. Sự ra đi của đồng chí là một tổn thất lớn cho cách mạng. Những người làm báo mất đi một người thầy, người anh lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Báo Nhân Dân ngày 9/6/2012. Ảnh: Tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Báo Nhân Dân ngày 9/6/2012. Ảnh: Tư liệu

Chính nhờ trải nghiệm từ trong nghề báo mà đồng chí thấu hiểu tình dân một cách sâu sắc, giúp ích cho lãnh đạo ở cương vị cao sau này và tổng kết thành lý luận kinh điển, chỉ đạo công tác:

"Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội" (1).

"Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm" (2).

Nghề báo là nghề phát hiện và nói lên sự thật, đấu tranh lẽ phải, cho lợi ích cộng đồng, không vụ lợi. Tính chất nghề nghiệp tạo nên tính cách người làm nghề và tính cách người làm nghề tạo nên tính chất nghề nghiệp. Học làm báo ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng trước hết là học làm người. Học củng cố niềm tin. Học làm báo, trước hết là học chính trị để có "vốn chính trị", để giữ vững lập trường.

Từ 2011, khi được bầu làm Tổng Bí thư, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng.

Ngày 9/6/2012, đồng chí đến thăm Báo Nhân Dân.

Tại đây, đồng chí khẳng định, Báo Nhân Dân là kênh thông tin chính thống của Đảng, là lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực tuyên truyền và có bề dày kinh nghiệm, lịch sử mà ít báo có được. Báo Nhân Dân là một tờ báo đặc biệt, vì nó luôn giữ được sự chuẩn xác, tin cậy, là ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, chính trị, báo chí.

Tiếng nói của Báo Nhân Dân vẫn là tiếng nói người ta đặc biệt tin cậy, không biết có phải là nhất không, nhưng tôi nghĩ là nhất, vì là báo của Đảng, báo chính thống, ngọn cờ tư tưởng”...

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân ngày 9/6/2012.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Trụ sở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân ngày 9/6/2012. Nguồn: Trung tâm Thông tin Báo Nhân Dân.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, để giữ vững vị thế của mình, đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân phải cố gắng vươn lên, tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức thể hiện, trình bày ở tất cả các ấn phẩm. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đổi mới có nguyên tắc, đúng định hướng theo chức năng, nhiệm vụ của báo Đảng là ngọn cờ chính trị tư tưởng. Giữ vững nguyên tắc nhưng phải khắc phục tính khô khan, tuyên truyền về chính trị một cách có nghệ thuật bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng tình cảm của người đọc. Phải hiểu đúng, hiểu sâu khái niệm thế nào là hấp dẫn. Đó là nói đúng sự thật một cách truyền cảm; không phải nói ngược, nói trái, nói cái tiêu cực mới là hấp dẫn…

Những người làm Báo Nhân Dân thêm một lần thấm thía những lời căn dặn chân tình đó; hiểu sâu sắc rằng, sự hấp dẫn không phải là sự chiều theo những thị hiếu tầm thường.

Chính trị không phải là khô khan. Ở Việt Nam, chính trị là đề tài được người đọc quan tâm nhất. Vấn đề là làm sao bài viết phải có những thông tin mang tính phát hiện, tính phản biện, đạt tới chân lý, thuyết phục người đọc qua cảm xúc của trái tim. Muốn như vậy, trước hết trái tim anh phải rung động trước số phận con người, vận mệnh đất nước, trước vấn đề anh viết, chứ không phải nói theo, viết để chiều lòng cấp trên hay "tái bản" nghị quyết dưới dạng này hay dạng khác…

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí giao nhiệm vụ cho Báo Nhân Dân, cùng với việc tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, Báo Nhân Dân cần chú trọng đưa thực tiễn nóng hổi của cuộc sống vào từng trang báo; cùng với việc đưa tin, cần tăng các bài bình luận sắc sảo; cùng với việc phản ánh gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, cần tăng cường phê phán các mặt trái, tiêu cực, tham nhũng, các bài phóng sự điều tra. Báo cần tăng cường tính chiến đấu, phê phán các quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc một cách kịp thời, nhanh nhạy và sắc sảo, tăng cường tuyên truyền về đối nội đồng thời chú ý tuyên truyền về đối ngoại; tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với tuyên truyền về văn hóa.

Trên tình cảm anh em, đồng nghiệp, đồng chí chia sẻ, muốn có nhiều bài viết hay, hấp dẫn phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thật tốt. Các đồng chí trong công tác lãnh đạo báo phải nhiệt tình, tâm huyết với nghề, với công việc; phải có chương trình công tác cụ thể, khoa học định hướng cho phóng viên…

Ghi nhớ sâu sắc những lời tâm tình, chỉ dạy ấy; ghi nhớ niềm tự hào về Báo Nhân Dân, không ngừng học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập cách làm báo của Bác Hồ, cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân quyết tâm giữ vững truyền thống, phấn đấu để có những tác phẩm là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước tiến vào trận mới, chiến thắng mọi kẻ thù nội xâm và ngoại xâm, thực hiện khát vọng lớn xây dựng một nước Việt Nam, văn hiến, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

********************

(1) Nguyễn Phú Trọng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

(2) Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng 25/6/2018.