Tê tái chờ… tái định cư

Ở nhiều địa phương, tồn tại thực trạng người dân nhường đất cho các dự án sau nhiều năm vẫn không được bố trí tái định cư, cuộc sống vô cùng khó khăn. Xây dựng cơ chế, chính sách cần tính đến vấn đề di dân tái định cư, như một trong những giải pháp để ngăn chặn từ gốc những khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai.
0:00 / 0:00
0:00
Người nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu muốn được tái định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Duy Trọng
Người nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu muốn được tái định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Duy Trọng

Khu dân cư "bảy không"

Cảm giác thương cảm dâng lên khi tôi chứng kiến những người dân ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) phải sống trong những túp lều tồi tàn. Họ vẫn gọi đó là "nhà". "Nhà" được chắp vá bằng cây lá địa phương và những tấm cao-su lót đáy ao nuôi tôm, tấm thiếc, tấm tôn cũ đã qua sử dụng. Ông Thạch Sa Bi, đưa cánh tay nhăn nheo chỉ lên những túp lều tạm, giọng nghẹn ngào: "Tôi và hàng chục hộ dân ở ấp này nhiều năm nay phải sống tạm bợ trong cảnh dột nát, hằng ngày phải ra biển mò nghêu, bắt ba khía. Rồi đi lấy củi trong khu rừng ngập mặn để kiếm sống qua ngày. Các con, các cháu không được học hành. Cực khổ lắm".

Dẫn tôi sang nhà anh Nguyễn Văn Trọng, lúc đó chỉ còn hai đứa nhỏ ở nhà, ông Sa Bi nói gần như khóc: "Lều nhà Trọng cũng chỉ có mỗi cái giường, không có bàn ghế, không có nhà vệ sinh. Hai vợ chồng đi phu hồ thuê cho người ta".

Đến xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) hay xã Long Điền Tây và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự trên những ô đất cằn cỗi. Họ là những người dân (thuộc diện phải di dân ra khỏi rừng phòng hộ và nhường đất cho các dự án điện gió) dựng tạm lều để chờ được tái định cư. Hỏi người dân đã chờ bao lâu? Một người trả lời: "Cỡ gần bảy năm!".

Được biết, dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu được triển khai từ năm 2016, nhằm bố trí cho 895 hộ với hơn 3.580 nhân khẩu. Nhưng đến nay chính quyền địa phương mới giải quyết tái định cư được gần 100 hộ, hầu hết các hộ còn lại phải sống tạm bợ, mỏi mòn. Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, UBND huyện Hòa Bình, UBND huyện Đông Hải, UBND thành phố Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Do nhiều nguyên nhân hiện nay dự án gần như bế tắc. Nhiều hộ không đất sản xuất, buộc phải quay về "bám" vào khu rừng vắng. Đặt chân đến khu rừng phòng hộ ven biển, tôi tận mắt thấy, tai nghe bà con bày tỏ nỗi mong mỏi các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu quan tâm tháo gỡ vướng mắc, sớm hoàn thành dự án để có cuộc sống ổn định, trẻ con sinh ra được làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu rồi được đến trường. Ông Tăng Tho, thốt lên: "Chúng tôi đang chịu cảnh sống không điện, không nước, không đường, không trường học, không trạm y tế, không hộ khẩu, không giấy khai sinh… Giờ chúng tôi chỉ biết chờ".

Các dự án điện gió ven biển Bạc Liêu hình thành, hàng trăm turbine (dự án của Công ty Công Lý và dự án của Tập đoàn Phương Anh) mọc sừng sững, nhưng đời sống của những người dân đã rời đi để đất lại cho thực hiện dự án vẫn còn hết sức khó khăn. Phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân đến chính quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Trần Văn Mậu cho biết, mấy năm qua, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần đến kiểm tra, khảo sát và chỉ đạo lập kế hoạch báo cáo thực hiện nâng cấp mặt bằng khu tái định cư. Sau khi nâng cấp, tỉnh sẽ có chủ trương đầu tư cất nhà cho một số hộ dân vào ở. Tuy nhiên, khu tái định cư sẽ vẫn chưa thể hoàn thành dứt điểm.

Tê tái chờ… tái định cư ảnh 1
Người dân vùng Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An). Ảnh: CẢNH THẮNG

Cần nghĩ cho người dân

Để triển khai Dự án Công viên văn hóa Tràng An, có 80 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phải di dời. Thế nhưng, 14 năm qua, công tác bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống cho người dân vẫn không có tiến triển. Hay dự án xây bờ kè sông Cần Thơ, với 544 hộ bị ảnh hưởng trong diện được bồi thường, trong đó 215 hộ nhiều năm bị "treo" chờ tái định cư. Rồi dự án di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, một vấn đề nóng của tỉnh Nghệ An. Trong hơn 3.000 hộ ở huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã phải di dời, có hơn 1.000 hộ không thể sản xuất trên diện tích đất của mình dù đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước những bất cập trong việc bồi thường di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay những nội dung này vẫn chưa được giải quyết. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, cho biết vấn đề bồi thường phần trên mực cốt ngập, người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được đền bù, rồi được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ là bất cập từ việc quản lý không sát sao. Khi đã đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ, không còn tính pháp lý để bồi thường nữa. Lỗi đó không phải do thủy điện.

Theo Khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai 2013, người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã nêu hạn chế, tồn tại: "Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước".

Để không còn cảnh mòn mỏi chờ tái định cư, việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhiều người dân kiến nghị, trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Đây là những điều mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải được tính đến một cách chặt chẽ và khả thi.