Nói vậy để thấy rằng, từ trước cho tới thời điểm này, đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, nhiều phương án và khuyến nghị nhằm giải quyết việc dạy thêm và học thêm. Nhưng về bản chất, việc này vẫn luôn tồn tại.
Trong mỗi chúng ta, kể cả những người đã trưởng thành, vẫn cứ luôn luôn tâm niệm rằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất cứ đối tượng nào thì việc học thêm (trau dồi kiến thức và kinh nghiệm) luôn là điều cần thiết. Nó đúng đắn bởi con người mỗi khi đối mặt với thực tế muôn màu, thì việc tìm tòi, trải nghiệm và rút ra bài học từ bể học mênh mông ấy sẽ giúp cho người ta tránh được thêm lần vấp ngã.
Thế cho nên, đối với mỗi phụ huynh, việc cho con mình được tiếp cận thêm kiến thức ngoài giờ học chính trên lớp là nhu cầu chính đáng. Với mỗi học sinh, được trau dồi, mở rộng thêm những kiến thức ngay cả từ những bài học đã được thầy cô giáo truyền tải tại lớp học cũng là một nhu cầu thiết thực.
Mấy ai trong số chúng ta, từ xưa tới nay lại chưa hề tham gia một lớp học thêm nào? Trừ những trường hợp cực kỳ đặc biệt.
Về phần mỗi giáo viên, ngoài việc đáp ứng các kiến thức cơ bản có lẽ khoảng thời gian trên lớp chưa hẳn đã đủ cho việc truyền tải tới các học sinh yêu quý của mình tất cả những gì mà thầy cô mong muốn. Mỗi bài học trên lớp sau khi được học lại, giảng giải thêm giống như là mỗi cuốn sách quý sau mỗi lần được độc giả đọc lại. Những thứ đúc rút, những cảm xúc luôn luôn là tươi mới, chẳng lần nào giống lần nào. Và cái nhu cầu tương tác giữa thầy cô giáo với học sinh ngoài giờ lên lớp, thiết nghĩ cũng là chính đáng và phù hợp.
Nên thấy mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị dự thảo trong đó có bàn về việc dạy thêm, học thêm và những điều kiện đi kèm. Theo đó, “dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành (Thông tư 17). Thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những thí dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh…”.
Thiết nghĩ, nếu như việc dạy và học thêm thật sự là cần thiết và thực tế chứng minh là cần thiết, thì chỉ cần sự đồng thuận giữa học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên dạy thêm là đủ. Còn nếu không đạt được sự đồng thuận ấy, ở thời kỳ xã hội phát triển như hiện nay, tin rằng chẳng mấy phụ huynh và học sinh chấp nhận đi học thêm chỉ vì “sợ” các thầy cô giáo. Bởi sự phản ánh những tiêu cực về dạy thêm, học thêm nếu có, sẽ luôn được nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng nắm bắt và xử lý một cách kịp thời.