Đây thật sự là công việc quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục đẩy mạnh phương châm lấy người học làm trung tâm, kỳ vọng bồi đắp cho thanh, thiếu niên phát triển về trí, thể, mỹ, đức..., đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Muốn vậy, phải có được đội ngũ những người dạy đáp ứng được yêu cầu này. Không ai khác ngoài các thầy giáo, cô giáo từ những người mở rộng vòng tay đón trẻ đến lớp mẫu giáo cho đến các bậc giáo sư, tiến sĩ ở các trường, viện đại học là những người gánh vác trọng trách này.
Ngành giáo dục thời gian qua có nhiều quyết sách quan trọng góp phần khơi mở tiềm năng, nguồn lực của các thành phần tham gia vào hoạt động giáo dục. Như việc trao quyền chủ động hơn cho các trường đại học trong hoạt động, tổ chức tuyển chọn đầu vào… Như giao trách nhiệm chọn lựa sách giáo khoa về các trường phổ thông. Như thúc đẩy cơ chế xã hội hóa, tạo thuận lợi cho sự phát triển các trường dân lập, các mô hình giáo dục đa dạng… Trước những đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng dạy và học để có được kết quả cao nhất là chất lượng tốt của người học, ngành giáo dục cần nhiều chính sách, cơ chế nhằm khơi dậy tiềm lực đổi mới, sáng tạo; tinh thần tích cực bồi đắp tri thức, kinh nghiệm; sự mạnh dạn cải tiến phương pháp trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho những ý tưởng, thử nghiệm của các thầy cô trong việc sử dụng sách giáo khoa và các kiến thức bổ trợ; khích lệ các thầy cô vận dụng chương trình học một cách sáng tạo, có phản biện, có bổ khuyết. Bởi thực tế, việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa cũng như có sự xen kẽ sử dụng giữa các bộ sách ở nhiều trường sẽ dẫn đến những nội dung áp dụng có khác nhau, đòi hỏi rất cao ở người dạy trong việc khai thác, truyền dạy với các đối tượng cấp học, lớp học cụ thể.
Nâng cao chất lượng giáo viên còn cần được thể hiện ở khía cạnh văn hóa, đạo đức để có những định hướng, đòi hỏi và giám sát trong việc thể hiện hình ảnh, tác phong, rèn giũa tư cách của các nhà sư phạm trên bục giảng, trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử ở trường, ngoài xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng, mang tính nêu gương, có tác động chính đến thái độ, tình cảm và ý thức học tập của học sinh; ảnh hưởng gián tiếp đến các bậc phụ huynh trong việc phối hợp giáo dục con em tại nhà.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo viên cũng có quan hệ mật thiết với việc ổn định thu nhập, đời sống của đội ngũ này. Nhất là khi thời gian qua, có những bất cập về chế độ lương, phụ cấp, hợp đồng lao động, thời gian làm việc của giáo viên ở nhiều cấp học, đang cần tiếp tục tháo gỡ, cải thiện nhằm giúp các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến.
Nâng cao chất lượng giáo viên, không thể thiếu sự nâng cao, phát huy các điều kiện, nguồn lực đi kèm, từ chính sách, cơ chế cho đến hệ thống trường sở, vật chất, hậu cần. Cả nước mong mỗi ngày đến trường là một ngày vui đối với học sinh; thì cũng rất cần vun đắp để mỗi ngày lên bục giảng là một ngày vui, một ngày tâm huyết của các thầy, cô giáo.