THEO báo cáo của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước năm 2022 là 14,26% (năm 2021 là 11,91%). Quý II/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 14,96%.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 (19% tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm - CAGR giai đoạn 2022-2023) và sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ 20% CAGR giai đoạn 2023-2025. Trong đó, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và được kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025. Bên cạnh đó, xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế... và đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia có mức thanh toán kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2023. Cụ thể, trong khi tỷ lệ áp dụng thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á đạt 50%, Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023.
Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội rất cao… Giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính và thúc đẩy kỹ năng số.
Thực tế cho thấy hoạt động chuyển đổi số trong quá trình xây dựng nền kinh tế số đã góp phần thúc đẩy xã hội số và làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa-xã hội. Chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cơ hội phát triển, đồng thời đặt ra những thách thức và yêu cầu mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của nền kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng và bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu: Vào năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP, tăng lên 30% vào năm 2030.
NHỮNG thách thức mà kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt, nhất là nguy cơ suy thoái kinh tế, tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh khiến tình hình căng thẳng của các khu vực càng trở nên khó lường. Với việc xây dựng kinh tế số, xanh hóa các ngành công nghiệp truyền thống, chuyển đổi năng lượng sạch, cải thiện hạ tầng giao thông liên quốc gia, cũng như các giải pháp sáng tạo đang tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và góp phần giải quyết những thách thức chung của khu vực và thế giới.
Mỹ được xem là quốc gia khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ và số hóa với nhiều công ty nổi tiếng, như Google, Facebook, Apple, Amazon,... đã luôn nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số. Châu Âu cũng có thuật ngữ "Single Digital Market" nhằm tạo ra một thị trường nhằm xóa bỏ biên giới ảo, tăng cường kết nối kỹ thuật số và giúp người tiêu dùng truy cập nội dung trực tuyến xuyên biên giới dễ dàng hơn dựa trên không gian kỹ thuật số. Trong các lĩnh vực then chốt của sáng kiến "Made in China 2025", Trung Quốc ưu tiên hai lĩnh vực chính là phát triển công nghệ thông tin, công cụ số và robotics. Nền kinh tế số hóa của Trung Quốc đặc trưng bởi sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và thương mại điện tử với sự hiện diện của ba nhà cung ứng nội địa khổng lồ bao gồm Alibaba (thương mại điện tử), Tencent (game trực tuyến và mạng xã hội) và Baidu (công cụ tìm kiếm).
Tại khu vực Đông Nam Á, việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số ước tính có thể giúp GDP của các nước trong khu vực này tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, nên nhiều nước đang rất quan tâm đến vấn đề này và đã có các giải pháp, cơ quan hỗ trợ phát triển, như Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế kỹ thuật số để thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông; Malaysia đặt mục tiêu là giá trị của nền kinh tế số sẽ chiếm 17% tỷ trọng nền kinh tế của nước này; Singapore với khẩu hiệu "Smart Nation" (quốc gia thông minh) lấy công nghệ làm cốt lõi,...
VIỆT NAM cần khẩn trương thực hiện các phương án trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nền kinh tế số. Các ngành đào tạo cần được tập trung chú trọng để hình thành đội ngũ chuyên gia như ngành thương mại điện tử, tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing), an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông số... nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trên môi trường kỹ thuật số. Chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communications Technologies) cần hướng đến việc sớm cập nhật giáo trình, bài giảng đào tạo gắn liền với các xu thế công nghệ mới nổi như internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ngành Công nghệ thông tin đã nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây thì ngành Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) và thương mại điện tử cũng đang cần được triển khai rộng rãi hơn, không những các nội dung chương trình ở bậc cao đẳng, đại học mà còn nên có các khóa học để tiểu thương có thể tham gia khai thác công việc tiếp thị và kinh doanh trên không gian số. Việc người tiêu dùng giờ đây có thể làm mọi điều trên nền tảng trực tuyến như: mua sắm, cập nhật thông tin, học tập, làm việc và đi lại cũng dễ dàng được đáp ứng. Khi người dùng dành thời gian cho internet nhiều hơn, cũng là lúc doanh nghiệp cần phải tương tác với người tiêu dùng thông qua chính nền tảng trực tuyến chứ không phải các phương tiện thông tin truyền thống, nên nhu cầu tuyển dụng vị trí này tại các doanh nghiệp trong nước rất cao. Hơn nữa, Việt Nam hiện nay là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Việc các công ty từ các nước tìm đến sẽ tạo nên sự nở rộ trong nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành này.