Thiếu tiêu chí, nhiều vướng mắc
Nhìn chung, việc tiếp dân ở nước ta đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị rất quan tâm. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các quy định về tiếp dân trong thực tiễn ngày càng hiệu quả; cơ bản bảo đảm thấu tình, đạt lý và đúng thời hạn quy định, nhất là từ khi Trung ương quy định, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải trực tiếp tiếp dân. Hầu hết cán bộ, công chức trực tiếp tiếp dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguyên tắc, đúng quy định, quy trình trong việc tiếp dân và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết kịp thời, có sức thuyết phục, thấu tình đạt lý các nguyện vọng chính đáng của dân nên hầu hết được nhân dân đồng thuận.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2018 tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% (so năm 2017). Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,8%, trong đó tập trung chủ yếu ở các vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; khiếu kiện tranh chấp tại các dự án bất động sản… Thực tế đó cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tham nhũng, lãng phí chưa đạt hiệu quả cao. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân như sau:
Một là, nhiều trường hợp người khiếu nại, tố cáo cay cú, thắng thua hoặc cố chấp trong khiếu nại, tố cáo. Thậm chí càng cố gắng lôi kéo được nhiều người tham gia khiếu nại, tố cáo để gây sức ép với cơ quan, người có thẩm quyền. Vẫn còn một bộ phận đáng kể (thường là có người đứng đằng sau tổ chức, giật dây) phản ánh, tố cáo không đúng sự thật. Họ mong muốn và đòi hỏi tổ chức đảng, cơ quan nhà nước phải tin mình, nghe mình và xem xét, kết luận, xử lý theo ý của mình. Do mang nặng định kiến với người bị tố cáo nên những người này luôn tìm cách cường điệu hóa thông tin từ nội dung, số liệu đến tính chất và cả từ ngữ, lời lẽ gay gắt nặng nề, tìm cách biến thông tin do mình đưa ra như những thông tin có nguồn gốc ở những cán bộ hoặc cơ quan có chức năng phát hiện, cung cấp hoặc đã được cán bộ, cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, xác minh, khẳng định.
Hai là, một số trường hợp người bị tố cáo thiếu tự giác, tự phê bình và phê bình, giải trình thiếu trung thực, khách quan, đầy đủ về nội dung tố cáo và có thái độ mặc cảm, thường đổ lỗi cho tập thể, do khách quan…
Ba là, một số cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo năng lực, trình độ còn hạn chế, thậm chí có trường hợp thiếu khách quan, vô tư ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý đơn thư, nghiên cứu nội dung, gặp người khiếu nại, tố cáo đến việc xem xét, giải quyết.
Bốn là, chất lượng tiếp công dân, cử tri chưa được như mong muốn, khiếu nại vượt cấp chưa giảm, chưa gắn với thẩm quyền giải quyết. Nhiều vụ giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, đầu năm 2019 đã tiếp gần 90 lượt đoàn đông người (đa số là các vụ việc cũ đã qua nhiều cấp giải quyết, nhưng công dân không đồng tình và tiếp khiếu). Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến khó khăn, bất cập lớn trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kể cả khi phát hiện được thì vẫn còn thiếu biện pháp, chế tài hữu hiệu, khả thi trong phòng, chống quan liêu và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đó là chưa kể đến việc hiện nay, vẫn chưa có các quy định, tiêu chí nhận diện lãng phí nên hầu hết các vụ việc lãng phí vẫn rất khó xử lý.
Bảo đảm tính thượng tôn pháp luật
Khâu quan trọng nhất trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo là qua công tác khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng đối thoại với người dân, lắng nghe những kiến nghị của họ để có các phương án giải quyết tốt vấn đề. Đồng thời đúc rút những kinh nghiệm trong thực thi nhiệm vụ. Bởi thế, cần thực hành dân chủ thật sự, trân trọng lắng nghe, tiếp thu và giải quyết thấu tình đạt lý các khiếu nại, tố cáo đúng của cán bộ, đảng viên và quần chúng một cách công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng; bảo đảm các quan điểm, quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; làm rõ đúng sai, tránh oan sai. Tiếp đó phải trân trọng và bảo vệ người khiếu nại, tố cáo có tâm huyết, trách nhiệm đã dũng cảm phản ánh với Đảng những khuyết điểm, sai phạm của cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, giải thích để người khiếu nại, tố cáo thấy trách nhiệm của mình trước pháp luật đối với những nội dung tố cáo mang tính vu cáo, bịa đặt, có dụng ý xấu.
Khi tiếp nhận và đối thoại với người khiếu nại, tố cáo trước hết phải bảo đảm nguyên tắc, quy định, quy trình của Đảng và Nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời, phải mềm dẻo, tế nhị, đi sâu tìm hiểu, phân tích nắm bắt tâm lý, tư tưởng của từng người để giải thích rõ các quy định của Đảng và Nhà nước về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Với những người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn tiếp tục cố tình tố cáo sai sự thật, vu cáo hoặc được cấp có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo, khiếu kiện đông người, mà không có bằng chứng mới thì kiên quyết nhắc nhở và khi cần thiết chuyển tổ chức đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Cuối cùng, để nâng cao chất lượng trong giải quyết vấn đề, cần hoàn thiện và ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.