Những chùm nhãn trơ mang vị chan chát, rát trên lưỡi kéo tôi về với kỷ niệm thời thơ ấu nơi triền đồi trung du đất đỏ. Bố mẹ công tác xa, mùa hè thường gửi tôi về quê nội cùng với một túi truyện cổ tích. Dưới gốc nhãn, ông nội tôi mắc võng nằm đung đưa suốt những trưa hè. Mắt ông cứ lim dim mà tay không rời cái gậy bao giờ, canh chừng trẻ chăn trâu hái trộm. Nhìn những cành nhãn trĩu quả mọng thế kia, đứa trẻ nào không thèm khát, nhất lại sau cuộc vui toát mồ hôi trên cánh đồng lộng hương cỏ. Lúc đầu, chúng chỉ vào xin nước uống, sau đó mon men ra vườn. Thoắt một cái, cành nhãn bị bẻ xơ xác.
Buổi trưa hễ nghe tiếng thở đều đều của người lớn, tôi lẹ làng nhảy ra khỏi giường chạy đi chơi. Ðể dỗ dành đứa cháu bướng bỉnh, ông tôi chặt nguyên một cành nhãn lúc lỉu quả để tôi ngồi trong nhà ăn không được ra ngoài bêu nắng, hay rong chơi bên hồ sen, ao hoa súng gần nhà, nhỡ sẩy chân... Loáng một cái tôi đã chén xong cành nhãn, lại nghĩ cách vòi vĩnh thêm một cành quả nữa. Cực chẳng đã, ông lại chặt thêm cho tôi cành nhãn nữa. Cái lưỡi của tôi đỏ lên, hơi rát và có vị chan chát. Ông tôi chép miệng bảo: Ăn sớm thế này, có hơi người là dơi sẽ đến ăn. Có nhà trong làng, không trông được trẻ con, để trèo lên hái sớm, dơi đã đến ăn hết sạch trong một đêm. Tôi chột dạ, nghĩ đến loài dơi đáng ghét, sợ đêm về chúng đến 'khiêng' sạch nhãn của nội đi.
Nhãn qua những mùa quả ngon, tôi cũng lớn dần. Mùa hè, tôi đã đủ lớn để đưa các bạn đạp xe về thăm ông bà, nhân tiện khoe vườn nhãn. Người dân quê quý khách, hễ có khách là đãi khách bằng những gì có sẵn trong nhà. Chúng tôi tha hồ vặt ổi, nhãn, vừa ăn lại vừa ném nhau. Ông chỉ cho chúng tôi một cây để vặt, nhưng vui quá, bọn bạn tôi trèo sang những cây khác. Ðến khi ông tôi dậm dậm cây gậy kêu cộc cộc dưới gốc cây, chúng tôi mới nhớ lời ông dặn, cuống cuồng không biết trèo lên hay tụt xuống. Nhưng lúc đó ông cười bảo: Thôi trèo từ từ kẻo ngã. Năm nay, nhãn sai thế này, thể nào cũng lụt! Ông thở dài đi vào nhà.
Ðất đồi trung du và những cơn mưa tự nhiên không đủ nuôi thân cây đang ngày một thoái hóa. Ông bà tôi già không còn đủ sức gánh bùn từ ao đắp vào gốc nhãn. Quả nhãn bé dần, hạt to, cùi mỏng mà vẫn thơm nồng vị đất trung du. Chẳng biết có phải đó là một lý do để người ta gọi đó là nhãn trơ, hay giờ có thêm những giống nhãn mới nên giống nhãn cũ hạt to, cùi mỏng bị gọi là nhãn trơ... Nhãn lâu năm sum suê bóng mát, cho dù năm được mùa, năm mất mùa nhưng người ta cũng chẳng nỡ chặt đi.
Mùa nhãn trơ đã về rồi ư! Xa nhà, xa quê đã lâu, ở nơi ồn ào phố thị này, tôi có thể mua nhãn quanh năm ở những hàng hoa quả ngồn ngộn trên phố. Những cành nhãn tươi nguyên cả lá, cùi dày và ngọt sắc, thơm đặc trưng gọi là nhãn lồng. Hết mùa nhãn lồng đất bắc thì lại có nhãn nước miền nam. Tuy không ráo cùi như nhãn lồng nhưng cũng rất ngọt và thơm.
Nhãn trơ bó từng chùm bằng lạt, rơm to cộ đựng trong rổ, sọt phía sau chiếc xe cà tàng xếp thành dãy trong một khu chợ. Tôi ghé vào một sọt nhãn chọn mua. Chị bán nhãn chỉ hở đôi mắt sau chiếc khăn bịt mặt bảo: 'Thôi đừng mặc cả em ạ, năm nay nhãn mất mùa! Mà chỉ nhãn trơ mới có cái giá này thôi'. Lại chạnh lòng nhớ cây nhãn vườn nhà nội. Chẳng biết năm nay nội có còn đủ khỏe để ra trông nhãn?