Tầm vóc mới của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Là hoạt động đối ngoại cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với cả hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ảnh: TTXVN
Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy chính trị, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa và tạo tầm vóc mới cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Kết quả thỏa thuận, nhất trí của các nhà lãnh đạo hai nước là định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, ổn định, bền vững.

Củng cố hữu nghị, tăng cường tin cậy

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón tiếp ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này khẳng định hai Đảng, hai nước coi trọng và dành ưu tiên cao độ phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, được hai bên thông qua trong chuyến thăm, đã khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tình láng giềng hữu nghị, sự coi trọng và tin cậy chính trị giữa hai nước được thể hiện trong nghi lễ tiếp đón cao nhất mà Đảng, Nhà nước Trung Quốc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được khẳng định trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, hai bên thống nhất nhận định rằng, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, Việt Nam và Trung Quốc đã dành cho nhau sự giúp đỡ quý báu và trong sáng; trong thời kỳ đổi mới và cải cách mở cửa, hai bên đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, hợp tác cùng có lợi, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình mỗi nước và đã đạt những thành tựu phát triển mang tính lịch sử. Tình hữu nghị truyền thống, vừa là đồng chí vừa là anh em, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối gây dựng và vun đắp trở thành tài sản chung quý báu và tiếp tục được kế thừa, bảo vệ và phát huy.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được trao Huân chương hữu nghị của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Huân chương cao quý này là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời làm nổi bật tình cảm đồng chí, anh em sâu sắc, cũng như mong muốn của hai nước cùng theo đuổi mục tiêu chung vì tương lai tốt đẹp.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà thân mật cũng thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường gần gũi, tin cậy giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Giai đoạn mới

Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc gồm 13 điểm, bao hàm những nội dung mang tính chiến lược định hướng phát triển quan hệ hai nước trong tất cả các lĩnh vực. Tuyên bố chung cùng 13 văn kiện hợp tác được các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết nhân chuyến thăm phản ánh chân thực về tầm vóc mới của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời đại mới, khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai nước tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc tình láng giềng hữu nghị và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Chia sẻ nhận định thế giới đang trong thời kỳ chuyển biến mới, với những biến động mang tính lịch sử, sâu sắc và khó lường, hai Đảng, hai nước nhất trí kiên trì mục tiêu, lý tưởng và sứ mệnh vì hạnh phúc nhân dân, tiến bộ của nhân loại; phát triển quan hệ song phương trên tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, lâu dài. Đảm đương sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu căn bản là mang lại sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân, trong bối cảnh mới, hai Đảng tiếp tục củng cố ưu thế hợp tác truyền thống, đi sâu trao đổi, giao lưu góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, giữ cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển vững chắc.

Từ định hướng chiến lược, hai nước đạt đồng thuận trong nhiều nội dung hợp tác cụ thể và thực chất, trong các lĩnh vực như kết nối kinh tế thương mại và đầu tư, vận tải, nông nghiệp, y tế, khoa học công nghệ, hợp tác biên giới và giao lưu nhân dân. Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định kiểm soát bất đồng và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là hết sức quan trọng, đồng thời nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt nhiều thách thức phức tạp và đan xen, Việt Nam và Trung Quốc cùng đề cao các nỗ lực đa phương và hợp tác quốc tế vì hòa bình và phát triển, sẵn sàng đóng góp, tiếp thêm tính ổn định và năng lượng tích cực cho cộng đồng quốc tế. Nhận định "phát triển là sự bảo đảm cho an ninh và an ninh là tiền đề cho phát triển", hai nước duy trì và tăng cường trao đổi, hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc và phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, trên tinh thần đề cao chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế.