Tuyển sinh đại học năm 2023

Tái diễn tình trạng thiếu sinh viên

Kết thúc xét tuyển đợt 1 mùa tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đại học vẫn thiếu chỉ tiêu. Sự khan hiếm sinh viên vẫn lặp lại như những năm học trước ở một số ngành như Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội…
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: NAM HẢI
Tư vấn tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Ảnh: NAM HẢI

Một số ngành có rất ít thí sinh đến nhập học

Theo kế hoạch kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, dù đã sang giai đoạn tuyển sinh bổ sung nhưng Trường đại học (ĐH) Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) mới tuyển sinh được khoảng gần 30% trên tổng số hơn 1.500 chỉ tiêu được giao. Dù nhà trường đã thông báo xét tuyển bổ sung nhưng có ngành mới tuyển được 3 - 4 sinh viên. Hay như Trường ĐH Bạc Liêu, năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 745 sinh viên, đợt 1, có khoảng 60% thí sinh đến trường nhập học trực tiếp. Hiện, nhà trường thông báo xét tuyển bổ sung số chỉ tiêu còn lại ở hầu hết các ngành đào tạo. Tương tự, Trường ĐH Tây Nguyên vừa thông báo tiếp tục tuyển sinh đại học đợt 3/2023 với 18 ngành. Đối chiếu giữa thông báo tuyển sinh đợt 3 với đề án tuyển sinh của Trường ĐH Tây Nguyên cho thấy, nhiều ngành có kết quả thí sinh xác nhận nhập học dưới 10 sinh viên, cá biệt một số ngành có từ 1 - 5 thí sinh đến nhập học, thậm chí có ngành “trắng” thí sinh như ngành Lâm sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kỳ tuyển sinh đại học 2023 có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với 3,4 triệu nguyện vọng, các trường được phép tuyển bổ sung đến tháng 12 nếu thiếu chỉ tiêu. Dự kiến, các đại học tuyển bổ sung hơn 10.000 sinh viên trong năm nay.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các thí sinh vẫn khá thờ ơ với cơ hội của mình. Theo kế hoạch, ngày 17/9, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) kết thúc đợt xét tuyển bổ sung với hơn 600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhiều ngành dự kiến sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn như ngành Khoa học môi trường, chỉ tiêu tuyển sinh là 60 sinh viên nhưng đến thời điểm này, mới có 20 thí sinh nhập học. “Đợt xét tuyển bổ sung gần như không có thêm thí sinh nào nộp hồ sơ vào ngành này”, TS Võ Thanh Hải nói. Hay tại Trường ĐH Bạc Liêu đợt xét tuyển bổ sung dự kiến kéo dài hết ngày 30/9. Thế nhưng, thời điểm này có khoảng 150 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Dự đoán một số ngành sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra như ngành Khoa học môi trường, ngành Bảo vệ thực vật, chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên/ngành. Kết thúc xét tuyển đợt 1, ngành Bảo vệ thực vật có 6 thí sinh nhập học, ngành Khoa học môi trường có 10 thí sinh…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ba năm liên tiếp, bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể: Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 49,1%; Khoa học sự sống 57,92%; Khoa học tự nhiên 59,43% và Dịch vụ xã hội 61,36%. Trong khi đó, các ngành học thu hút thí sinh nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật. Đặc biệt, nhóm ngành khoa học cơ bản vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn chỉ khoảng 15 điểm/ba môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.

Thống kê của PGS, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, một số ngành đặc biệt khó tuyển (không có sinh viên hoặc rất ít) trong một năm tuyển sinh như Hải dương học năm 2018 (0 sinh viên), năm 2019 (2 sinh viên). Tương tự với ngành Tài nguyên và môi trường nước vào các năm từ 2017 đến 2019, ngành Địa chất vào năm 2019. Các ngành này tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.

Hay theo ông Vũ Anh Tài, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hằng năm. Giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học.

Tái diễn tình trạng thiếu sinh viên ảnh 1

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Hãy để người học quan tâm hơn

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: Việc tỷ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan tâm. Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.

Đồng tình với nhận định trên, nhiều chuyên gia tuyển sinh chia sẻ: Các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút nhiều thí sinh giỏi và chính điều này làm giảm sút nguồn thí sinh chất lượng cao vào các ngành khoa học cơ bản. Cùng đó, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản chủ yếu trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu của khu vực công nên thu nhập không cao, lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và tăng thu nhập.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Hiện nay, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ phát triển Khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Toán học, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo chưa nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, như: phòng thí nghiệm, thực hành; đặc biệt là hỗ trợ đào tạo sau đại học. Bản thân các trường đại học phải rất nỗ lực, với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học các ngành Khoa học cơ bản.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần quan tâm ngành nghề gì đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo, tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Cơ quan nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng, như: Toán học, Khoa học cơ bản, Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.