Sức sống mới cho phong trào thanh niên

Phát triển đảng viên trẻ có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, nhiều địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu bồi dưỡng, kết nạp Đảng đang "cạn" dần, đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng đảng viên trẻ Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Sung (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) hỗ trợ, kết nối bà con phát triển sản phẩm thổ cẩm Làng Teng.
Vợ chồng đảng viên trẻ Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Sung (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) hỗ trợ, kết nối bà con phát triển sản phẩm thổ cẩm Làng Teng.

Hiếm nguồn để bồi dưỡng

Ba Vinh là xã vùng cao huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), với hơn 1.300 hộ; trong đó dân tộc Hrê chiếm 97%, tỷ lệ hộ nghèo 30%. Để đưa xã vùng cao này phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên phải là nòng cốt, tiên phong và đi đầu xu hướng làm kinh tế mới, phong trào làng, bản mới trên nhiều lĩnh vực. Xã hiện có 320 đảng viên, với 13 chi bộ trực thuộc (tỷ lệ đảng viên trẻ chiếm số lượng hơn 50%). Để tạo nguồn cũng như phát triển đội ngũ đảng viên trẻ, các chi bộ xã Ba Vinh theo dõi, bồi dưỡng học sinh, thanh niên uy tín, tiên phong ở làng, bản. Năm 2021, xã Ba Vinh được giao chỉ tiêu phát triển 10 đảng viên trẻ. Tuy nhiên, xã chỉ kết nạp được bảy người.

Khắc phục khó khăn, năm 2022, Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 13 đảng viên trẻ, vượt chỉ tiêu đề ra. Ông Phạm Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh cho biết: Địa bàn xã rộng, dân số đông nên nguồn để phát triển đảng viên không thiếu. Tuy nhiên, xã vùng cao có những khó khăn đặc thù đòi hỏi các chi bộ phải duy trì nỗ lực nhiều hơn. "Khó khăn nhất là quần chúng đã đi học bồi dưỡng nhưng do quá trình thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ kết nạp cần thời gian nên nhiều trường hợp không tâm huyết, không theo đến cùng. Hoặc có người học bồi dưỡng xong lại lo đi làm ăn xa" - ông Nước nhấn mạnh.

Xã Ba Thành, huyện Ba Tơ có tám chi bộ trực thuộc với 139 đảng viên. Năm 2022, các chi bộ kết nạp tám đảng viên trẻ phát triển từ Đoàn thanh niên. Ngoài khó khăn do thanh niên đi làm ăn xa, còn có tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng người trẻ. Bí thư Đảng ủy xã Ba Thành Phạm Quang Đức, chia sẻ: "Có những trường hợp chi bộ giới thiệu ba, bốn quần chúng ưu tú, đi đầu trong làm ăn kinh tế, giúp đỡ bà con cộng đồng, có chí hướng tốt nhưng do trước đó, họ vướng việc tảo hôn nên không được kết nạp Đảng". Đảng viên trẻ Phạm Xuân Hậu tâm sự: "Ngoài được các anh chị giúp đỡ, bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên cũng phải khát khao vào Đảng. Từ khát khao sẽ có hành động cụ thể để phấn đấu, rèn luyện". Vợ của anh Hậu cũng vừa được kết nạp Đảng.

Toàn huyện Ba Tơ hiện có hơn 4.000 đảng viên. Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng quan tâm tạo nguồn, phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, Huyện ủy Ba Tơ giao chỉ tiêu phát triển đảng viên từ các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng kế hoạch chặt chẽ. Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ huyện Ba Tơ đã kết nạp 354 đảng viên, trong đó số lượng đảng viên trẻ đạt 52,82%. Nhìn rộng ra tại tỉnh Quảng Ngãi, ở nhiều huyện khác như Trà Bồng, Sơn Hà, việc phát triển đảng viên trẻ còn khó khăn hơn nhiều, với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tương tự, ở các tỉnh miền núi phía bắc, như Tuyên Quang, việc đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trẻ để kết nạp Đảng cũng gặp không ít khó khăn. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã quán triệt, chỉ đạo các cấp Đoàn tổ chức học tập, triển khai các văn bản về công tác phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 36.309 đoàn viên ưu tú được giới thiệu để các cơ sở Đảng xem xét, kết nạp, trong đó, số lượng đoàn viên nữ chiếm 42,3%. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, số lượng đoàn viên, thanh niên được kết nạp Đảng thấp hơn các năm trước.

Chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang, cho biết: Nguyên nhân của vấn đề này là nhận thức của một số cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ còn yếu, chưa sát với tình hình thực tế ở cơ sở. Một bộ phận thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa, ít tham gia hoạt động đoàn ở địa phương; một số thờ ơ với các hoạt động chính trị-xã hội, thiếu lý tưởng, không có chí tiến thủ, rèn luyện, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Trong quá trình rèn luyện, phấn đấu chuyển Đảng chính thức, một số đảng viên dự bị còn vi phạm kỷ luật, vi phạm điều lệ.

Cần nhiều giải pháp hữu hiệu

Để việc phát triển đảng viên trẻ đạt hiệu quả, lãnh đạo cấp xã ở vùng nông thôn phải đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng và nêu gương cho các bạn trẻ. Đoàn thanh niên các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể sát với tình hình của từng địa phương. Ngoài ra, phải luôn tự đổi mới nội dung, phương thức của hoạt động Đoàn; tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào hành động để đoàn viên rèn luyện, phấn đấu.

Một cách làm hay tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) mà nhiều địa phương khác có thể áp dụng là: Huyện Đoàn Chiêm Hóa có sáng kiến thành lập các tổ tu dưỡng, rèn luyện đảng viên trong thanh niên tại các cơ sở Đoàn trong toàn huyện. Huyện Đoàn đã chỉ đạo thành lập 30 tổ tu dưỡng, rèn luyện đảng viên. Các đảng viên sẽ là những người hướng dẫn, bồi dưỡng tạo môi trường rèn luyện, sinh hoạt, nâng cao bản lĩnh chính trị cho các đối tượng cảm tình Đảng.

Trở lại huyện miền núi Ba Tơ với những khó khăn mà rất nhiều huyện miền núi trên cả nước cũng gặp phải, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ kiến nghị: "Cấp trên cần có quy định tháo gỡ, như những trường hợp tảo hôn song là nhân tố tích cực, uy tín trong cộng đồng thì cần được xem xét lại".

Nhiều địa phương có chung kiến nghị, cần tạo nguồn từ lực lượng dân quân tự vệ, công nhân... Ngoài ra, cần có các biện pháp phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho bà con vùng cao, thu hút thanh niên gắn bó địa phương, từ đó bồi dưỡng, hình thành lớp đảng viên mới.