- Thưa Tiến sĩ, phải chăng hầu hết các tai tiếng liên quan các ngôi sao giải trí đều khởi phát từ các trang mạng xã hội?
- Ðó là một thực tế, theo tôi, do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao tính giải trí. Kết quả của sự phù hợp cung - cầu này là các phương tiện truyền thông rất chú trọng đưa tin về giải trí. Những nhân vật trong thế giới giải trí, vì vậy, thường xuyên xuất hiện và thu hút dư luận.
Thứ hai, bắt nguồn từ những lý do xã hội. Ðang có nhiều cảnh báo về sự xói mòn của những giá trị đạo đức, hay nói cách khác, xã hội ta hiện nay, dù đã có rất nhiều cố gắng, vẫn chưa hình thành một cách chắc chắn những giá trị đạo đức để định hướng lối sống, đặc biệt cho thế hệ thanh niên. Chính vì lý do đó, người dân nói chung, thanh niên nói riêng giờ đây có thói quen đam mê với những thú vui ngắn hạn, tạm thời. Những thứ mốt nay mặc mai bỏ, những bài hát nay nhớ mai quên... và tất nhiên là cả thói quen không thích đọc sách mà chỉ muốn lướt qua những đầu mục thông tin, theo dõi những thông tin "nóng" từ giới giải trí.
Thứ ba, chúng ta đang sống trong thời đại của các ngôi sao, ở đó, mọi người đều muốn nổi tiếng, và nổi tiếng càng nhanh càng tốt, bất kể cách nào. Sự nổi tiếng đem lại cho người ta rất nhiều thứ, đặc biệt là tiền bạc. Và trong xã hội, một bộ phận - do đề cao giá trị vật
chất - đã biến mình thành nô lệ chạy theo hào quang của sự nổi tiếng. Sự tìm kiếm thông tin về các ngôi sao gây tai tiếng tạo ra sự nổi tiếng giả tạo một phần do sự tiếp tay của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là in-tơ-nét.
Và đây là nguyên nhân thứ tư. Sự tiếp tay của các phương tiện truyền thông mới ở chỗ, đó là một xã hội thu nhỏ và ít được kiểm duyệt. Trên in-tơ-nét hiện có cả những điều tốt và điều xấu, thông tin bổ ích và thông tin có hại. Ðó chính là "đất" để các ngôi sao gây xcan-đan nhằm tạo ra "tên tuổi" cho mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bi quan. Những thí dụ ở Anh Quốc, Hàn Quốc, Trung Quốc... cho chúng ta thấy tính toàn cầu của hiện tượng này. Vì thế mới có chuyện nhiều báo lá cải bán chạy hơn so với các thể loại báo khác.
- Người ta bắt đầu nhắc đến khái niệm: khả năng tự vệ trong thế giới mạng, nhưng hình như điều đó chưa thấy, hoặc hầu như không có tác dụng trong cộng đồng mạng Việt Nam?
- Các trang mạng xã hội không tạo nên những nhóm công chúng mới, mà chỉ củng cố các nhóm công chúng nhỏ. Tuy nhiên, nhóm công chúng nhỏ lại đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội mà tin đồn rất phổ biến như Việt Nam. Sự thật là chúng ta vẫn chưa tìm được những biện pháp hữu hiệu để đối phó với những thông tin không chính xác và thiếu định hướng trên các phương tiện truyền thông mới. Những phản ứng, đính chính yếu ớt đôi khi lại trở thành chất kích thích để thông tin lan rộng.
- Nghĩa là, vẫn chưa có phương thuốc hữu hiệu cho "căn bệnh" xcan-đan của các ngôi sao giải trí?
- Ðể giải quyết những hành động phản cảm của các ngôi sao giải trí thì chúng ta cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Xây dựng một xã hội lành mạnh, đề cao những giá trị đạo đức, biết lên án những cái xấu, sai trái, có những tấm gương tốt để mọi người noi theo là giải pháp trọng tâm, cơ bản và mang tính triệt để nhất. Ðối với các phương tiện truyền thông thì đó nên là việc hạn chế đưa các thông tin liên quan đến các hành động phản cảm này của các ngôi sao để tránh kích thích sự quan tâm của công chúng đối với hiện tượng này. Các cơ quan quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ nên xây dựng những trang web, mạng xã hội có nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với lối sống, đạo đức của người Việt Nam. Với những trang web của các cơ quan nhà nước và các tổ chức truyền thông, chúng ta cũng nên có những quy chế và chế tài cụ thể đối với việc đưa tin phản cảm gây ảnh hưởng xấu đối với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Còn với người sử dụng mạng in-tơ-nét, đó là một bản lĩnh để tiếp nhận và xử lý thông tin một cách tích cực, phù hợp với việc xây dựng nhân cách trong một giai đoạn xã hội mới.
- Xin cảm ơn ông!