1 Trong nền văn học hiện đại nước ta, trường ca là thể loại được xác lập chính thức vào những năm 70
và nở rộ trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Có thể nói, giai đoạn này, lịch sử văn học Việt Nam chứng kiến sự “nở rộ” của những sáng tác thơ dài hơi, có quy mô và dung lượng lớn, khái quát về các sự kiện và các biến cố lịch sử; về những số phận con người gắn liền với số phận của dân tộc, của đất nước. Chính họ đã đem lại sự trải nghiệm mới về những vấn đề lịch sử, nhân sinh trong một hình thức văn học còn mới mẻ với bạn đọc nước nhà.
Đến nay, khái niệm và thuật ngữ trường ca vẫn chưa được hiểu thống nhất. Có người dùng khái niệm trường ca để chỉ các tác phẩm sử thi, anh hùng ca (Từ Sơn, Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Trung, Trần Ngọc Vương...). Có người coi những tác phẩm được viết bằng thơ, dung lượng lớn, thường có cốt truyện hoặc sườn truyện trữ tình và chúng có thể được ca ngâm hoặc kể theo lối ngâm là trường ca (Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Mã Giang Lân, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân). Số khác quan niệm, trường ca có bốn đặc điểm cơ bản sau: được viết bằng thơ; nội dung lớn, chia thành nhiều phần; chất trữ tình lấn át chất tự sự; cảm hứng ngợi ca trở thành điểm tựa chủ đạo và nhất thiết phải có nhạc điệu (Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Hoàng Ngọc Hiến...).
Có thể nói rằng, trường ca cũng như các thể loại khác, nó đang vận động và giàu biến ảo. Vì thế, không có một định nghĩa cũ nào có thể ôm chứa hết những đặc điểm mới của nó. Trường ca lại khiến giới nghiên cứu phải nắm bắt thêm, phải định dạng lại. Mỗi sự nghiên cứu lại phát triển ra những nét mới.
Trường ca nở rộ những năm trước đây gắn với thế hệ cầm bút từng đi qua chiến tranh. Chiến tranh là chấn động lịch sử lớn lao mà họ trực tiếp lãnh nhận và hứng chịu. Vì thế phần lớn những trường ca của họ đều viết về chiến tranh. Chiến tranh vừa là đề tài, vừa là cảm hứng, phần nào còn là cả thi pháp của mỗi người. Những “nhà thơ mặc áo lính” chính là những người trong cuộc, song họ cũng thật sự bàng hoàng về những năm tháng lịch sử vĩ đại mà mình đã đi qua, những mất còn mà họ từng cảm nhận. Chính họ là những người mắc nợ văn chương với những năm tháng hào hùng ấy, mắc nợ với người đã thay họ vĩnh viễn nằm xuống. Trường ca ra đời như là một nhu cầu tổng kết, một nhu cầu lột tả cho hết những gì mình đã đi qua mà trong thời chiến chưa đủ thời gian suy ngẫm đến tận cùng, chưa đủ độ chín để tổng kết lịch sử.
Khái quát lịch sử bằng những hình tượng thơ cụ thể, cảm xúc trào dâng chính là một thành công của trường ca so với thơ trữ tình.
2 Nghiên cứu sự phát triển của trường ca, chúng tôi thấy có hai giai đoạn: Giai đoạn 1932-1975: là giai đoạn ra đời của trường ca, nó vẫn mang nặng tính sử thi của anh hùng ca. Giai đoạn sau 1975: xuất hiện xu hướng thiên về tính trữ tình, mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân. Giai đoạn 1932-1975 gồm những trường ca gây ấn tượng lớn, có tầm ảnh hưởng, hoặc cắm mốc quan trọng đối với sự phát triển của thể loại như: Những người trên cửa biển (1956) của Văn Cao, Bài ca chim Ch’rao (1964) của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng (1974) của Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát người anh hùng (1974) của Trần Đăng Khoa... Có thể nói ở giai đoạn này, các nhà thơ muốn dùng trường ca để cạnh tranh với tiểu thuyết trong việc tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở giai đoạn này, trường ca Việt hiện đại vẫn mang nặng dấu ấn sử thi. Thậm chí, trong những năm đầu của giai đoạn sau 1975, chất sử thi vẫn còn để lại dấu ấn quan trọng trong một số trường ca: Những người đi tới biển (1977) của Thanh Thảo, Đường tới thành phố (1979) của Hữu Thỉnh, Con đường của những vì sao (1981) của Nguyễn Trọng Tạo, Trầm tích, Long mạch (1999) của Hoàng Trần Cương, Mỗi loài hoa một mặt trời (1999) của Trần Anh Thái...
Như vậy, qua một số trường ca hiện đại sau 1975, có thể thấy ngoài một xu hướng kế thừa tính sử thi của trường ca, thì ngay cả ở những trường ca được gọi là trữ tình, tính tự sự và sử thi vẫn không mất đi. Ngoài ra, còn có một số trường ca thể hiện triết lý sâu sắc về dân tộc, đất nước, những chiêm nghiệm về cuộc đời và cách ứng xử trước thực tế khắc nghiệt khi đối diện với hiện thực đời sống hôm nay: Trường ca biển của Hữu Thỉnh, Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc...
Trong Trường ca biển của Hữu Thỉnh, biển đảo không đơn giản chỉ là nơi toàn cát mà chính là vành đai, là xương thịt của Tổ quốc. Biển là nơi hội tụ của các dòng sông lớn đổ về, là nơi hội tụ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Chính những giá trị ấy là cội nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để con người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách: Tiếng Việt gọi hồn Việt/Giữa đất Việt ngoài khơi/Tiếng Việt là ngọn cờ/Hội quân trong đêm tối/Tiếng Việt để nhận nhau/Giữa bao nhiêu rắc rối.
Với Hữu Thỉnh, tiếng Việt không đơn thuần chỉ là tiếng nói mà còn là giá trị văn hóa, là linh hồn của dân tộc còn lại với thời gian và đất nước, nó là tiếng kèn hiệu triệu, là bản sắc để dân tộc nhận ra nhau giữa muôn trùng sóng biển. Có lẽ viết những dòng thơ này, nhà thơ Hữu Thỉnh một lần nữa muốn khẳng định nét độc đáo, nét riêng của tiếng Việt.
3 Gần đây, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho ra đời Trường ca biển mặn (2015), viết về sự hy sinh cao cả của bao thế hệ người Việt trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, điều dễ nhận thấy là tình yêu quê hương đất nước gắn liền với truyền thống đánh giặc giữ nước của bao lớp thế hệ anh hùng. Điểm nổi trội của tác phẩm là ca ngợi bản chất anh hùng của người lính biển dù ở thời bình hay thời chiến, đồng thời khẳng định tư cách và chủ quyền biển đảo của dân tộc. Hết thế hệ này truyền sang thế hệ khác quyết tâm giữ gìn sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc: “Cha đã lính. Bây giờ con lại lính/ Những thế hệ nối nhau đi giữ nước non nhà/ Xưa cha Trường Sơn Rừng/ Nay con Trường Sơn Biển”. (Trường ca biển mặn)
Năm 2016, nhà thơ Thanh Thảo vừa xuất bản trường ca Dạ tôi là Sáu Dân viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh là Sáu Dân), một trường ca ngắn thể hiện sự đau đáu, trằn trọc về những nỗi riêng chung cùng bao điều quốc kế dân sinh của một người luôn có tâm vì dân. Hay Đám mây hình người thợ săn và con chó (2016) của Thanh Thảo cũng là trường ca ngắn viết về văn hóa người Mông. Đây có lẽ là hai trong số ít trường ca không nằm trong mô-típ quen thuộc là tái hiện những bức tranh lịch sử.
Như vậy, qua tìm hiểu sự phát triển của trường ca, có thể thấy rằng thế hệ trẻ lớn lên sau cuộc chiến hầu như không viết trường ca nhiều. Theo nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn: “Có thể có nhiều lý do, chẳng hạn quan niệm thẩm mỹ của thế hệ này đã khác trước, trường ca không thật hấp dẫn ngòi bút của họ, có thể do thị hiếu người đọc, trường ca không còn là món khoái khẩu của họ, có thể mối liên hệ của họ với những chấn động lịch sử đã khác trước...”.
Mỗi thế hệ đều có những chân dung thơ ca riêng phản ánh thời đại của mình. Hiện nay, tâm trạng chung của những nhà thơ trẻ là cố gắng đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những lối mòn. Họ thường chuộng cái lạ và thích khám phá những thể loại mới. Có lẽ vì vậy mà họ ít quan tâm thể loại dài hơi và số nhà thơ trẻ quan tâm, sáng tác trường ca giảm dần.
Hiện nay, vẫn có một số ít nhà thơ trẻ viết trường ca như Nguyễn Quang Hưng, Thúy Nga, Phan Tuấn Anh... được giới chuyên môn đánh giá cao. Thời gian tới, có thể sẽ có thêm những trường ca mới ra đời, chuyển tải những biến đổi về cảm quan với tâm thức thời đại.