Việc xây dựng câu chuyện liên quan đến nông sản, không chỉ hướng đến mục đích truyền thông hay marketing mà đó là khởi điểm cho một chiến lược kinh doanh dài hạn.
Những câu chuyện liên quan đến nông sản như nỗ lực trồng trọt, sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hoài bão của người làm sản xuất, kinh doanh với nông sản, tâm huyết hỗ trợ cuộc sống người nông dân, hoặc mục tiêu đưa sản phẩm vươn ra biển lớn… thường sẽ có nhiều tác dụng khác nhau và một trong những tác động đầu tiên đó là… giám sát. Thực tế thì một câu chuyện ý nghĩa, được truyền thông rộng rãi đồng thời sẽ được dư luận, xã hội ủng hộ cũng như kiểm chứng. Hơn nữa, chính những câu chuyện này cũng nhắc nhớ, thúc đẩy cho những người làm sản xuất, kinh doanh nông sản về chiến lược cũng như sứ mệnh của mình và nhất quán với nó.
Doanh nhân Đặng Thế Truyền hiện đang được biết đến rộng rãi với mô hình sản xuất, du lịch, gắn với cây xoài và những sản phẩm được chế biến từ quả xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), còn tiết lộ một yếu tố quan trọng: “Kể những câu chuyện liên quan đến cây xoài nói riêng hay về nông sản nói chung buộc những người làm công tác trồng trọt, sản xuất, kinh doanh phải… tư duy nhiều hơn. Một nội dung nếu kể nhiều lần thì chính người kể sẽ… chán, như vậy nếu muốn tìm nội dung khác thì đồng thời sẽ phải tìm kiếm những sản phẩm, hay khai thác khía cạnh kinh doanh khác, đó chính là động lực phát triển”.
Và thực tế thì những câu chuyện về nông sản không chỉ dừng lại ở một đơn vị hay một sản phẩm mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho địa phương. Công ty Nông sản N&H là một đơn vị khá có tiếng trong lĩnh vực nông sản ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt nhất là các sản phẩm liên quan đến sầu riêng. Trong khi đó, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), trong những năm gần đây nổi lên là một vùng trồng sầu riêng với nhiều giống chất lượng cao, mà nổi bật trong đó là giống Musang King.
Có một chi tiết khá thú vị ở đây là chị Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Nông sản N&H thường xuyên có những tương tác, trao đổi trực tiếp với khách hàng của mình để kể chuyện, giải thích chi tiết về nguồn gốc của nông sản nói chung cũng như trái sầu riêng. “Sầu riêng Musang King muốn ổn định chất lượng phải từ năm thứ 7 trở đi, còn N&H đã trồng được năm thứ 6”, chị Nguyễn Thị Hương cho biết, đồng thời cũng giải thích chi tiết giống Musang King ở Việt Nam sẽ khác với các nước lân cận như thế nào. Và thêm một yếu tố tích cực khác là nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện Krông Pắc cũng là những người rất tích cực kể chuyện về trái sầu riêng để góp phần lan tỏa thương hiệu này đi xa.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, nhấn mạnh: Những câu chuyện liên quan đến nông sản, hay trái sầu riêng, dù được kể dưới góc độ nào, hay do ai kể đều có sức sống, thổi hồn vào cho thương hiệu của nông sản cũng như địa phương. Ngoài chất lượng, quy trình trồng trọt, chế biến chuẩn mực thì phải có những giải pháp lan truyền thương hiệu, sản phẩm phù hợp thì giá trị của nông sản mới được nhận diện và có sự phát triển bền vững được.