Quan tâm dạy văn hóa giao tiếp

Vào năm học mới rồi, nhà trường, giảng đường lại vừa là nơi “nạp” kiến thức cho học sinh, vừa dạy các em “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh lượng thông tin, tri thức nền cho cuộc sống, sự “ăn, nói, gói, mở” này cũng thật quan trọng với những chủ nhân tương lai của đất nước, cộng đồng, gia đình. Bởi dù thế nào đi nữa, mỗi công dân trong xã hội, dù ở bất kỳ vị trí nào, làm một nghề nào đó trong tương lai, vẫn cần có sự giao tiếp, trao đổi, cao hơn là kết nối, cộng hưởng, hợp tác với các cá nhân, nhóm, cộng đồng khác để hoàn thành công việc chuyên môn, hoạt động cộng đồng, xã hội mà mình tham gia vào.

Nhưng nhiều thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý, xã hội học, ngôn ngữ, văn hóa và các phụ huynh không khỏi lo lắng, than phiền về những bất cập, tiềm ẩn bất ổn trong ngôn ngữ giao tiếp, cử chỉ của một số học sinh, con em mình, hoặc ở trường, trên đường hay các không gian công cộng, không gian gia đình, dòng họ. Nào là tình trạng nói tục, chửi bậy thường trực trên miệng. Nào là im lặng, lầm lỳ không nói, ít nói, ngại hoặc hạn chế trong giao tiếp như một xu hướng co mình vừa là biểu hiện tâm lý vừa có thể có dấu hiệu bệnh lý. Lại có xu hướng hình thành, khẳng định cá tính, thể hiện trong giao tiếp khi nói nhiều, nói liên tục, thể hiện quan điểm cá nhân mà ít quan tâm đến ý kiến, lời nói của người khác. Cũng như, ưa dùng những từ ngữ viết tắt, viết chệch chữ, nói tắt, nói ý, nói theo “trend”… mà một nhóm các em hiểu còn chưa chắc thầy cô giáo, phụ huynh, ông bà, người lớn đã hiểu hay kịp nắm bắt. Hoặc những biểu hiện lo lắng, dễ bị kích động tâm lý và biến đổi nhanh trong thể hiện cảm xúc, cũng như có cả những suy nghĩ thiếu thiện chí đối với tập thể…

Nhiều những biểu hiện trong giao tiếp, ăn nói, ứng xử đó, từ góc độ trách nhiệm của nhà trường, gợi ra mong mỏi việc dạy các em “học ăn, học nói, học gói, học mở” với cả sự chu đáo, vẹn tròn, tinh tế trong vận dụng ngôn ngữ, thể hiện tác phong, tâm lý, tình cảm, thái độ giữa thầy cô giáo và học sinh. Đáng chú ý thêm khi việc kết nối, trao đổi đó không chỉ diễn ra trực tiếp ở giảng đường, mà còn trên không gian mạng, qua các nhóm lớp, trường, đoàn thể, nhóm phụ huynh…

Vấn đề nghiên cứu, phân tích ngôn ngữ, bồi bổ và nâng cao văn hóa ứng xử của học sinh có lẽ là cả một đề tài lớn, rộng cần triển khai. Trong đó có nhấn mạnh, gợi mở về giải pháp từ phía nhà trường, các thầy cô giáo với mục tiêu khơi lên, giúp định hình, cũng như lan tỏa những lời hay, ý đẹp trong học sinh; hạn chế, giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực, bất ổn, ích kỷ, thô tục… trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, cộng đồng, gia đình. Nhưng ý nghĩa lớn, rộng đó phải từ sự đóng góp, gợi ý, sáng tạo và đề xuất của đông đảo các thầy, các cô tại nhiều trường học trong việc thể hiện lời ăn tiếng nói, hình ảnh của lãnh đạo nhà trường, các thầy cô, nhân viên như thế nào; khuyến khích các em đọc những gì, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, các hoạt động tập thể ra sao; cũng như đồng hành, làm bạn với các em, uốn nắn, góp ý cả chân tình lẫn nghiêm khắc với các em như thế nào nữa trong môi trường học đường...

Những nỗ lực thấu hiểu và thể hiện, đồng hành đó, chính là cho một phần văn hóa, văn minh của tương tác con người, tương tác xã hội không thể thiếu trong hôm nay và tương lai.