“Sóng ngầm” lan rộng

Sau tin xấu từ Vienna, nơi diễn ra cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 5/10 vừa qua, khi 23 nhà sản xuất dầu chủ chốt, đứng đầu là Saudi Arabia và Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng tới hai triệu thùng/ngày, tương ứng 2% nhu cầu toàn cầu kể từ ngày 1/11 tới, Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ với đồng minh chủ chốt của mình ở Trung Đông.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: JOHNCOLE
Biếm họa: JOHNCOLE

Theo CNN, ngày 11/10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez kêu gọi ngừng tất cả hợp tác của Mỹ với Saudi Arabia. Đây là phản ứng mạnh mẽ đầu tiên của Mỹ trước việc liên minh dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu quyết định giảm sản lượng nhằm tăng giá dầu. Trong một tuyên bố, quan chức từ Washington kêu gọi ngừng toàn bộ chương trình bán vũ khí và hợp tác an ninh với Riyadh, song vẫn giữ mức thấp nhất đủ để bảo vệ người Mỹ và lợi ích của nước này. Hợp tác an ninh là một trong những trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ và quốc gia Trung Đông trong hơn bảy thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre cho rằng, rõ ràng kết quả cuộc họp ở Vienna cho thấy OPEC+ đang “thông đồng” với Nga và đây là một “sai lầm”. Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các biện pháp của liên minh dầu mỏ là “thiển cận” và cam kết cho giải phóng thêm một triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Quyết định cắt giảm của OPEC+ diễn ra chưa đầy ba tháng kể từ khi ông Biden đích thân tới Saudi Arabia để thảo luận về chính sách dầu mỏ, song kết quả là Washington thất bại trong việc tạo sức ép tăng sản lượng đối với các nhà sản xuất Arab nhằm giúp giá dầu “hạ nhiệt”.

Theo nhận định của giới phân tích, nguyên nhân khiến Mỹ có phản ứng quyết liệt với quyết định cắt giảm sản lượng dầu “gây sốc” của OPEC+ là do liên minh dầu mỏ này đã đi ngược lại mong muốn và lợi ích của các nước công nghiệp phát triển trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Vào thời điểm nền kinh tế của các nước G7 đang phải chống chọi với khan hiếm năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung khiến lạm phát rất cao và nguy cơ suy thoái gia tăng, việc tăng giá dầu là điều họ không mong muốn.

Ông Jorge León, Phó Chủ tịch hãng phân tích Rystad Energy của Na Uy, trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 6/10 đã cảnh báo: tác động của các biện pháp do OPEC+ công bố sẽ rất lớn, thậm chí không thể loại trừ khả năng giá dầu Brent Biển Bắc sẽ lại vượt 100 USD/thùng trong tháng 12/2022 so mức trung bình hồi tháng 9/2022 (90 USD).

Do đó, Nhà trắng đang cân nhắc việc hạn chế ảnh hưởng của OPEC đối với giá dầu. Mỹ có thể sử dụng Dự luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), từng được thảo luận nhiều lần song chưa thành công. Nếu được Quốc hội thông qua và ký thành luật, NOPEC sẽ cho phép Mỹ kiện OPEC và các công ty cụ thể ở các quốc gia thành viên vì vi phạm quy tắc cạnh tranh - trong trường hợp này là thao túng việc tăng giá dầu và các sản phẩm thứ cấp. Phản ứng gay gắt của Mỹ cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đang nhấn chìm châu Âu, có thể biến thành một cuộc chiến toàn cầu về giá dầu. Đó sẽ là cuộc chiến giữa các quốc gia phát triển về công nghiệp với các nhà sản xuất từ liên minh OPEC+, và sau đó là với Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cùng với Ấn Độ - nơi nhu cầu về nguyên liệu thô này đang tăng nhanh.

Giới quan sát cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là một chiến thắng đối với các công ty dầu mỏ của Nga, bởi họ sẽ hưởng lợi nhiều hơn mà không cần thu hẹp đáng kể sản lượng. Bằng cách giảm sản lượng xuất khẩu, liên minh OPEC+ sẽ thật sự “giúp” Nga duy trì thị phần của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, hoặc ít nhất là giảm thiệt hại từ các đòn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Và như vậy, “sóng ngầm” gây ra bởi giá dầu sẽ ngày càng lan rộng, đe dọa tổn hại những mối quan hệ đối tác giữa Mỹ với các quốc gia Trung Đông.