Sôi động thị trường nhân sự bán dẫn

Sau khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được thiết lập, những cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn ngày càng rộng mở hơn. Tuy nhiên, muốn gia nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất này, cần giải quyết triệt để bài toán thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động làm việc tại nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam.
Lao động làm việc tại nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam.

1. "Năm 2023, công ty chúng tôi có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư nhưng đến thời điểm tháng 10 mới chỉ lựa chọn được sáu kỹ sư có kiến thức về vi mạch. Con số này cho thấy thực tế và mục tiêu đặt ra còn tồn tại khoảng cách rất xa". Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam Trịnh Khắc Huề chia sẻ về thực trạng "cơn khát" nhân sự tại chính doanh nghiệp của mình.

Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới. Những con chip cực nhỏ sở hữu "sức mạnh" điều khiển mọi thứ từ điện thoại, laptop cho tới ô-tô. Năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu đạt khoảng 600 tỷ USD biến đây trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% mỗi năm. Từ năm 2021, Intel đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào các dự án bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2022, Samsung khánh thành Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội.

Tháng 9/2023, Tập đoàn Hana Micron đã khánh thành nhà máy bán dẫn đầu tiên tại Khu Công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động trong năm 2025. Sau đó một tháng, Tập đoàn Amkor cũng chính thức đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn tại Khu Công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh), có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Ước tính, chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 20 đến 50 nghìn nhân sự có trình độ từ bậc đại học trở lên. Có thể khẳng định, thách thức lớn nhất của chúng ta trong quá trình phát triển công nghiệp bán dẫn là bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.

2. Trong những năm qua, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng và phát triển các ngành đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Trong đó, tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông (ICT), các ngành phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI hay BigData…

Giai đoạn từ năm 2019-2022, số lượng tuyển sinh đại học các ngành khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều trường đại học trên cả nước đã bắt đầu thí điểm mã tuyển sinh riêng cho ngành thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, ngoài đào tạo kỹ sư, cử nhân để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong dài hạn, trước mắt Việt Nam cũng cần đào tạo ngắn hạn cho sinh viên về một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Thời gian đào tạo có thể từ sáu tháng đến một năm nhằm kịp thời cung ứng nhân lực cho ngành này.

Trong ngày cuối cùng của tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi đã ký hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuỗi cung ứng bán dẫn dần dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

Các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do NIC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình hoạt động, VSHE sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhiều công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Siemens, Silvaco. Đồng thời, các bên thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, VSHE và đối tác sẽ hỗ trợ kinh phí sản xuất cho 13 dự án nổi bật nhất năm 2024.

3. Theo ông Edmund Mok, Phó Chủ tịch EDB Singapore (cơ quan chính phủ đảm nhiệm việc lên kế hoạch và triển khai các chiến lược quốc gia nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Singapore), với lực lượng lao động hơn 35.000 người, ngành công nghiệp bán dẫn đóng góp 57 tỷ USD, chiếm 7% GDP của Singapore. Hiện tại, tám trong số 10 công ty thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới (như AMD, Mediatek, nVidia, Qualcomm…) có đội ngũ thiết kế và các bộ phận R&D khác đặt ở quốc gia này.

Bên cạnh những chương trình đào tạo mới, Singapore áp dụng chứng chỉ chuyên nghiệp thiết kế vi mạch kỹ thuật số, nhằm nâng cao năng lực thiết kế chip của các nhân tài. EDB Singapore cũng tổ chức nhiều hoạt động giúp giới trẻ tiếp xúc với ngành công nghiệp bán dẫn, như Hội chợ nghề nghiệp, Trại hè "Thiết kế chip-Tương lai của bạn" hay các chuyến tham quan công ty bán dẫn...

Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia chủ yếu mạnh về mặt sản xuất, còn đội ngũ nhân sự Việt Nam có sở trường ở khả năng thiết kế chip. Do đó, chúng ta có thể học hỏi đường hướng phát triển của Singapore để thâm nhập sâu vào hệ sinh thái chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

"Để giải quyết yêu cầu về nhân lực bán dẫn trình độ cao, Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt vốn có nhiều năm kinh nghiệm. Cụ thể, chúng ta sẽ triển khai các chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương với các cường quốc có thế mạnh về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể làm chủ, nắm bắt nhanh các công nghệ lõi trong lĩnh vực này", Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng chia sẻ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn. Đây là những nơi góp phần bồi dưỡng các nhân tài cho ngành bán dẫn.

Trong chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, nhiều doanh nghiệp chip bán dẫn của Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định: Chúng tôi hào hứng với sự đầu tư ngày càng tăng mà các công ty đang thực hiện tại Việt Nam, từ việc đầu tư vào hệ sinh thái chất bán dẫn đến chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Tất cả đang tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và các doanh nghiệp Việt.