Số hóa tác phẩm nghệ thuật

Sân chơi nghệ thuật thế giới những năm gần đây đã chứng kiến sự tham gia của các “nghệ sĩ kỹ thuật số”, hoặc nhiều họa sĩ truyền thống đã số hóa các tác phẩm của mình để hướng đến những nhà sưu tầm trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm nghệ thuật NFT. Ảnh: ARTNEWS
Một tác phẩm nghệ thuật NFT. Ảnh: ARTNEWS

Freddie Jacob là một nghệ sĩ kỹ thuật số làm việc ở Nigeria. Cô là một trong những nghệ sĩ tiên phong ở quốc gia châu Phi này đã sáng tạo các tác phẩm của mình dưới dạng tài sản ảo (NFT). Trong sáng tác, cô tập trung chủ đề về vẻ đẹp người phụ nữ, tình yêu gia đình, sự hàn gắn... Vào năm 2020, Jacob đã phát hành bộ sưu tập NFT đầu tiên của mình trên Opensea - một “phòng tranh” online dành cho những người sưu tầm vật phẩm điện tử. Với tiêu đề “Eguono”, có nghĩa là “tình yêu” trong tiếng Urhobo bản địa của cô, các tác phẩm đã gây tiếng vang nhất định trong làng nghệ thuật và được định giá lên tới hàng nghìn USD.

Nghệ sĩ Fhatuwani Mukheli từ Johannesburg (Nam Phi) là một trong số nhiều nghệ sĩ đã tạo NFT cho các tác phẩm của mình. Quá trình sáng tạo của Mukheli bắt đầu bằng cách vẽ tranh trên vải và sau đó anh số hóa các tác phẩm thành tài sản kỹ thuật số để hiển thị và trao đổi trong vũ trụ ảo (metaverse). Trong bối cảnh số hóa nhanh chóng hiện nay, nhiều nghệ sĩ mới đã sử dụng công nghệ để vẽ tranh hoặc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, thế hệ nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật kỹ thuật số này đã trở thành những người tiên phong cho một xu hướng còn khá mới mẻ.

Mặc dù cùng tồn tại trên môi trường là internet, song các tác phẩm kỹ thuật số ở dạng NFT có thể bảo đảm quyền sở hữu và không thể sao chép hay tự ý thay đổi, làm giả. Khi mua một bức tranh NFT, tùy theo thỏa thuận mà nhà sưu tập vừa sở hữu bức tranh gốc có thể cầm nắm, trưng bày như một tác phẩm thông thường được, đồng thời nắm luôn quyền sở hữu tác phẩm đó bởi nó được ghi lại và công nhận thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain). Sau khi đã mua NFT, người sở hữu toàn quyền sử dụng, khai thác, bán lại chúng mà không lo bị đánh cắp hay sao chép, đạo nhái. Sự độc đáo này đã thu hút quan tâm của không ít nhà sưu tập tìm kiếm các tác phẩm NFT.