Quản lý dạy thêm, học thêm:

Siết thế nào cho chặt ?

NDO - Căn cứ Thông tư 17/2012/TT-BGDÐT của Bộ GD-ÐT và tình hình thực tế, nhiều tỉnh, thành đã dự thảo hoặc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (DT, HT). Những quy định cụ thể về nguyên tắc, tổ chức, thủ tục cấp phép, trách nhiệm quản lý DT, HT... nhằm siết chặt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tránh tiêu cực trong hoạt động này. Ngoài quy định trên giấy, những biện pháp quyết liệt chấn chỉnh cũng được áp dụng. Liệu những động thái nói trên có giải quyết triệt để "căn bệnh" trầm kha bấy lâu?
TP Ðà Nẵng đang tập trung đầu tư cho giáo dục, phấn đấu đến năm 2016 tất cả học sinh tiểu học đều được bán trú và học ha
TP Ðà Nẵng đang tập trung đầu tư cho giáo dục, phấn đấu đến năm 2016 tất cả học sinh tiểu học đều được bán trú và học ha

Quản hay cấm?

Những ngày qua dư luận không chỉ nóng lên bởi hàng loạt chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành siết chặt quản lý mà còn từ những vụ bắt quả tang DT, HT. Thanh tra đụng đến đâu cũng phát hiện sai phạm ở đó. Ngày 2-11, UBND TP Ðà Nẵng lập đoàn kiểm tra các cơ sở bán trú thuộc quận Hải Châu gồm: Trung tâm First Friends, Trung tâm bán trú Tài Năng Việt; Công ty Giáo dục Thành Tài. Qua kiểm tra, phát hiện tại những cơ sở này, ngoài việc nuôi trẻ bán trú còn tổ chức DT, HT cho học sinh một số trường tiểu học (TH). Tại một số trường TH ở Hà Nội, thanh tra Bộ GD-ÐT cũng phát hiện tình trạng này ở các môn Toán, Tiếng Việt. Từ khi có Thông tư 17, tại nhiều trường, giáo viên còn "án binh bất động" nghe ngóng. Tuy nhiên, vẫn nhen nhóm các kiểu "lách luật" như gia sư kèm thêm nhóm nhỏ ở nhà, tới địa điểm thuê sẵn (không phải nhà mình) để dạy hoặc tráo đổi học sinh của giáo viên khác để dạy thêm cho đỡ vi phạm dạy "quân" của mình.

Nạn DT, HT đã trở thành căn bệnh kinh niên chưa có thuốc trị thỏa đáng. Không ít giáo viên tìm mọi cách gợi ý, ép buộc học sinh học thêm, cắt xén chương trình chính khóa ở trường để dạy thêm bên ngoài, dạy trước chương trình... kiếm tiền. Với nhiều học sinh, học thêm trở thành nghĩa vụ, để "lấy lòng" thầy, cô, sợ không hiểu bài cô giảng trên lớp, học đuối hơn các bạn, điểm kém. Thời khóa biểu kín mít, cả ngày phờ phạc vì "chạy sô" học thêm, vô hình trung phản tác dụng. Thậm chí một số bé ở độ tuổi mẫu giáo cũng phải trầy trật học phụ đạo ở các lò luyện mới đủ sức đấu ở một số trường TH có tổ chức thi tuyển vào lớp 1. Tình trạng này còn là gánh nặng cho nhiều phụ huynh bởi khoản tiền học chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu hằng tháng.

Tuy nhiên, hiện tượng đó cũng là nhu cầu phát sinh từ thực tế của học sinh và phụ huynh, nhất là ở đô thị. Việc học thêm đã giúp học sinh kém được bổ trợ kiến thức mau tiến bộ, học sinh giỏi được bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Vào năm cuối cấp, học thêm trở thành nhu cầu không thể thiếu bởi thực tế, rất ít học sinh tự tin không đi luyện thi mà vẫn đỗ cấp ba, đại học. Ngay cả bậc tiểu học, nhiều lớp học thêm còn trở thành "nhà giữ trẻ" khi phụ huynh bận rộn mưu sinh, nhờ cô quản giúp, con cái vừa có kiến thức lại bớt thời gian rong chơi. Nhiều phụ huynh khá giả còn sẵn sàng móc hầu bao cho con đi học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm nước ngoài...

Chớ sửa "ngọn" quên "gốc"

Chánh Thanh tra Bộ GD-ÐT Nguyễn Huy Bằng khẳng định: "Tinh thần Thông tư 17 không cấm việc DT, HT. Dạy thêm đúng quy định, đáp ứng đúng nhu cầu học thật và dạy có chất lượng thì không nên cấm và không thể cấm". Tuy nhiên, trong thực tế, điều chỉnh, quản lý vấn đề này với liều lượng thế nào là phù hợp, bảo đảm chất lượng, tránh các biểu hiện tiêu cực luôn là bài toán khó. Ðã có nhiều ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục địa phương lên tiếng về những bất hợp lý và khó thực hiện của thông tư. Quy định không dạy thêm với học sinh TH, với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày là cứng nhắc bởi một số trường chưa đáp ứng được điều kiện học bán trú hai buổi/ngày, phụ huynh bận làm cả ngày vẫn có nhu cầu gửi trông một buổi. Ðơn cử ở Ðà Nẵng, do tình trạng đổ xô "chạy" trường điểm, khiến tất cả trường trung tâm thành phố quá tải, buộc phải cắt bán trú, do đó, các trung tâm bán trú ra đời đáp ứng nhu cầu nhưng cũng lén lút "làm thêm".

Ngay cả cấp THCS, THPT để tổ chức dạy thêm theo quy định của Thông tư 17 cũng khó thực hiện vì chưa có thời gian chuẩn bị, nhất là vướng mắc về cơ sở vật chất. Quy định giáo viên không được tổ chức DT, HT ngoài trường nhưng có thể tham gia dạy; không được phép dạy thêm ngoài nhà trường với các học sinh mà mình đang dạy chính khóa khi chưa được phép cũng dễ tạo ra những kẽ hở lách luật khó xử lý như giáo viên về hưu đứng ra tổ chức lớp, rồi mời các giáo viên đương nhiệm đến dạy. Nhiều giáo viên thắc mắc, tại sao bác sĩ được mở phòng khám tư, dược sĩ cho thuê bằng mở tiệm thuốc tây không bị cấm mà dạy thêm cũng là việc làm chính đáng bằng sức lao động, chất xám nghề nghiệp của mình lại bị cấm? Trong khi đó, học sinh tự nguyện, phụ huynh rất cần tìm cho con mình thầy giỏi để phụ đạo. Hiệu trưởng một trường TH ở Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, phụ huynh giờ chỉ có một, hai con, ai cũng muốn con mình học tốt. Chương trình học nặng, thời gian dạy trên lớp không nhiều, dù thầy cô nhiệt tình đến mấy cũng khó bảo đảm chất lượng. Thêm nữa, đồng lương giáo viên thấp, không dạy thêm thì cuộc sống rất khó khăn.

Lâu nay, ở nhiều lĩnh vực vẫn tồn tại tư duy "không quản được thì cấm". Cấm có cần thiết và cấm thế nào cho thấu tình đạt lý lại là chuyện đáng bàn. Cái khó là làm sao phân biệt được dạy thêm có chất lượng, theo nhu cầu thật với dạy thêm mang mầu sắc tiêu cực. Và điều cần thiết là phải giải quyết căn cơ từ giảm tải chương trình sách giáo khoa, cách dạy và học, tổ chức thi cử sao cho hợp lý, để học sinh không cần đi học thêm cũng nạp đủ kiến thức. Mặt khác, xử lý tiêu cực trong DT, HT muốn khả thi phải nhằm vào việc kiểm tra chất lượng dạy thêm, chứ không chỉ đơn thuần là việc không cho phép hoặc khống chế số buổi dạy thêm. Lâu dài, cần sớm có chính sách cải thiện đời sống giáo viên để họ có thể sống được bằng lương, không phải lo nghĩ dạy thêm để mưu sinh. Có như vậy, mới hy vọng giải quyết tận gốc vấn nạn này.

* Sáng 6-12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 5 HÐND thành phố Ðà Nẵng, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HÐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã truy hỏi đến cùng trách nhiệm của Giám đốc Sở GD-ÐT cũng như ngành giáo dục thành phố trong việc quản lý DT, HT. Ông Thanh đề nghị chấm dứt ngay việc DT, HT trong ngành giáo dục, tuy nhiên, sẽ phải điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, bởi có nhiều học sinh học yếu thì cần học phụ đạo. Khẩn trương kiểm tra, rà soát lại các trung tâm lưu trú đối với học sinh tiểu học tại trung tâm thành phố, bảo đảm việc học tập cho học sinh. Phấn đấu đến năm 2016 tất cả học sinh tiểu học phải được bán trú và học hai buổi/ngày.