Sau Qatar là...

Sau World Cup 2022, Ronaldo thu gom hành lý giã từ bóng đá đỉnh cao để đến Saudi Arabia. Chỉ trong 2 tháng, ở mảnh đất giàu có Vịnh Ba Tư diễn ra hàng loạt trận chung kết đỉnh cao tầm vóc thế giới. Và tất cả đang tạo ra sự dự cảm về một thế giới Ả Rập sẽ thống trị bóng đá? Cụ thể, sau Qatar sẽ đến lượt Saudi Arabia?
0:00 / 0:00
0:00
Mua lại Newcastle chỉ là bước đầu trong tham vọng của các tỷ phú Ả Rập. Ảnh trong bài | GETTY
Mua lại Newcastle chỉ là bước đầu trong tham vọng của các tỷ phú Ả Rập. Ảnh trong bài | GETTY

1

Để có một kỳ World Cup 2022 siêu thực, chúng ta biết rằng Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD. Bên cạnh đó là hàng trăm dự án đầu tư ngốn hàng chục tỷ USD, trong đó có thương vụ mua lại PSG và đầu tư mua về vô vàn siêu sao với mức giá... không cần phải nghĩ. Chỉ vài ngày sau khi Qatar trở thành thiên đường bóng đá thế giới, đến lượt Saudi Arabia “phá đảo” thiên hạ. Chỉ trong 2 tháng, bất kỳ ai trên thế giới cũng phải hướng về Saudi Arabia với sự ngưỡng mộ xen lẫn kinh hoàng. Người ta hay nói rằng, ở sa mạc, những gì ta thấy ngoài cát bụi chỉ là ảo ảnh. Nhưng giờ thì không phải. Hoàn toàn không đúng.

Ronaldo vĩ đại bất ngờ đến khoác áo Al-Nassr sau một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng về yếu tố truyền thông. Một cuộc phỏng vấn chấn động. Rồi một bản hợp đồng kinh hoàng. 200 triệu euro tiền lương mỗi năm, chưa kể các khoản phụ thu khác. Một mức lương điên rồ đến mức khó tin và thậm chí nó kéo dài tới năm 2025 bất kể khi ấy Ronaldo còn đá bóng hay chán rồi giải nghệ. Chưa hết, phía Saudi Arabia còn khẳng định, Ronaldo chỉ là phương án 2, vì họ thích Messi hơn. Và chỉ 1 năm nữa thôi, họ sẵn sàng mang về Messi, và mức lương dành cho anh thậm chí còn là… 1 mảnh giấy trắng để Messi tùy ý ghi mức lương. Và nó có thể là 300 triệu euro/năm.

Sau Qatar là... ảnh 1

CR7 về Al-Nassr với một bản hợp đồng kinh hoàng.

Quá ít, bởi các tỷ phú Ả Rập cho rằng, Ronaldo hay Messi hoàn toàn xứng đáng với giá cả tỷ euro chứ đừng nói vài trăm triệu. Và thực tế thấy rõ, chỉ 1 tháng sau khi Ronaldo xuất hiện, giải Vô địch quốc gia Saudi Arabia từ chỗ phát sóng trong nước, chẳng bán được bản quyền cho ai thì giờ đã có hơn 30 quốc gia ở cả 5 châu sở hữu bản quyền của họ.

2

Ronaldo đến đã đành, Saudi Arabia còn liên tục chứng kiến những trận cầu siêu đỉnh. 4 trận đấu giải Siêu cúp Tây Ban Nha, 3 trận đấu của 4 đại gia La Liga mà Saudi Arabia bỏ ra 240 triệu euro để được tổ chức. Rồi trận đấu mang tính trình diễn cho vui giữa Ronaldo và Messi, trận giữa các ngôi sao giải Vô địch quốc gia Saudi Arabia với PSG. Tiếp nữa là Siêu cúp Italia. Như vậy, trong trong 1 tháng, Saudi Arabia đón PSG, Real Madrid, Barcelona, Inter Milan, AC Milan.

Dĩ nhiên, những tỷ phú có thể ném tiền qua cửa sổ không tiếc tay, vì nhà chẳng có gì ngoài tiền. Tuy nhiên, tiền họ bỏ ra cũng có ý đồ cả. Một dự án siêu bóng đá đã được khởi động và đây mới chỉ là màn khởi động nhẹ nhàng, chuẩn bị cho một cuộc thâu tóm toàn bộ bóng đá thế giới. Và dự án ấy được hậu thuẫn bởi các tỷ phú, đặc biệt là Hoàng gia Saudi Arabia, dưới sự ủng hộ của Hoàng tử Mohammed bin Salman, người kế vị ngai vàng.

Trong thời gian tới, Saudi Arabia và thủ đô Riyadh đang nhắm tới hàng loạt sự kiện thể thao lớn. Do World Cup vừa tổ chức ở Qatar, một quốc gia châu Á sẽ phải đợi khá lâu nữa mới có thể tổ chức, nên Saudi Arabia đang dự kiến sẽ mang về tổ chức Siêu cúp châu Âu, các giải đua F1 danh giá, đắt đỏ và cả Thế vận hội mùa đông, mùa hè... Việc mang về Ronaldo (và có thể cả Messi) với số tiền khổng lồ chỉ là bước đầu cho màn tiếp thị nhằm quảng bá Saudi Arabia trong mắt thế giới. Và cụ thể hơn, việc Quỹ đầu tư công PIF của Saudi Arabia, có tài sản trên 600 tỷ USD, mua lại Newcastle là thí dụ rõ nhất. Hiện nay, Newcastle đang trở thành kẻ thách thức lớn cho tốp 4 ở Ngoại hạng Anh, đối trọng của Man City, đội bóng thuộc quyền quản lý từ tập đoàn đến từ UAE.

Khi Siêu cúp Italia tổ chức ở Saudi Arabia, giới chuyên môn nước này than phiền rằng, thật không chấp nhận nổi khi trận đấu quan trọng như vậy lại tổ chức cách Italia hàng ngàn km, trong sân vận động chỉ có 400 cổ động viên Italia. Nhưng bù lại, họ nhận 24 triệu euro chỉ cho 1 trận đấu. Và chưa hết, những năm tới Siêu cúp Italia còn được Saudi Arabia đề nghị trả 140 triệu euro cho thể thức 4 đội như Siêu cúp Tây Ban Nha. Và kẻ đứng sau kế hoạch này vẫn là Quỹ PIF, nơi tài trợ cho dự án tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia nhằm phát triển xã hội, kinh tế và đặc biệt là thể thao và bóng đá. PIF chính là đối tác nhúng tay vào hầu hết các thương hiệu nổi tiếng ở phương Tây: Facebook, Uber, Walt Disney, Pfizer, McLaren, Credit Suisse, Marriot Hotels, mua lại Newcastle, mang về Ronaldo... Và kế hoạch mục tiêu là tổ chức World Cup 2030.

3

Nếu như Saudi Arabia có thể mang về Ronaldo với mức lương đỉnh cao như vậy, nếu như họ có thể nhanh chóng biến Newcastle yếu đuối trở nên hùng mạnh, cạnh tranh tốp đầu ở Ngoại hạng Anh, thì bất kỳ điều gì họ cũng có thể làm được. Và mang Messi về chỉ là vấn đề bao giờ họ muốn mà thôi. Bên cạnh đó, còn là Neymar, Mbappe, Lewandowski, Haaland... hay bất kỳ ngôi sao nào, với những con số không giới hạn.

Và một viễn cảnh nữa, sau khi có thể thâu tóm được những ngôi sao hàng đầu thế giới, họ có thể khống chế luôn nền bóng đá châu Âu, theo đúng cách PSG đã làm. Mua bất kỳ ai và tạo ra sức mạnh ngay lập tức. Newcastle chỉ là lá bài thử nghiệm. Rồi sau khi mang về hết các giải Siêu cúp ở các quốc gia với vô số các CLB vĩ đại, thì Saudi Arabia hoàn toàn có đủ tiền và tham vọng để tổ chức cả... Champions League, Europa League, World Cup và thậm chí cả... EURO. Như cách Rudi Garcia, HLV của Al-Nassr, của Ronaldo đã nói: “Chỉ trong 10 năm nữa thôi, Saudi Arabia sẽ là trung tâm của bóng đá thế giới”.

Hoàn toàn có thể. Bởi khi có quá nhiều tiền, người ta có thể làm những điều tưởng như không thể!