Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn:

Sáng tạo là hành trình chiêm nghiệm thực tại

Hơn 12 năm sau triển lãm cá nhân lần đầu tiên (tháng 12/2010), nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn tiếp tục đem tới nhiều bất ngờ cho công chúng yêu mỹ thuật với triển lãm cá nhân lần thứ hai, tiêu đề Khải huyền, diễn ra từ ngày 6 đến 13/1/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tất cả, với chín đơn vị tác phẩm kích thước lớn, có bức tới 300x400x600cm, đều được khởi nguồn từ hạt lúa quê hương ông. Ông trò chuyện cùng chúng tôi:
0:00 / 0:00
0:00
Cội rễ, chất liệu gỗ, đồng, thủy tinh, kích thước 55x55x160-200cm (tùy khối). Ảnh: NVCC
Cội rễ, chất liệu gỗ, đồng, thủy tinh, kích thước 55x55x160-200cm (tùy khối). Ảnh: NVCC

Kiên định với con đường riêng

- Vì sao ông quyết định chọn hạt lúa như một biểu tượng trong nghệ thuật từ năm 1995? Ông đã từng khi nào có ý nghĩ về sự thay đổi, như là chọn một biểu tượng khác, một hướng đi tạo hình khác, câu chuyện nghệ thuật khác trong hành trình điêu khắc của mình?

- Quyết định chọn hạt lúa như một biểu tượng trong nghệ thuật của tôi vì bản thân luôn cảm nhận nó là ơn huệ của thượng đế, là khởi điểm của sự sống và là hình tượng thu nhỏ của quê hương. Đi đến đâu, thấy hạt lúa là thấy quê mình... Tôi sinh ra và lớn lên ở Cù lao Ông Chưởng, tỉnh An Giang. Cội gốc ấy và những ký ức về không gian sống, về dòng sông quê hương vừa là thực tại hữu hình vừa gợi lại trong tiềm thức cá nhân tôi dòng chảy cuộc di dân về phía nam. Hình ảnh hạt lúa cũng có thể gợi liên tưởng các loại hạt, lá cây, chiếc xuồng… Tất nhiên là trên hành trình trải nghiệm với hạt lúa, tôi có đôi lần đắn đo nhưng không thể chọn bất cứ biểu tượng nào khác để thay thế và cuối cùng, sự kiên định với hình tượng này đã giúp tôi có một câu chuyện nghệ thuật của riêng mình.

- Điều gì làm rung động tâm can ông hơn cả trên hành trình với Khải huyền?

- Lần này, Khải huyền mang đến một nhãn quan tối giản về hình thể và không gian để chiêm nghiệm về thực tại tinh thần trong chính bản thân tôi, và tôi hy vọng là trong chính mỗi người xem nữa…

- Thách thức lớn nhất với ông trong quá trình sáng tác chín đơn vị tác phẩm cho triển lãm này?

- Sáng tác đơn thuần có lẽ không thách thức tôi nhiều bằng việc tìm được một không gian vừa đủ rộng vừa có các tính năng hỗ trợ cho việc trưng bày điêu khắc đương đại và thiết kế ánh sáng. Tòa nhà 2 của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vốn là một ngôi nhà riêng, được thiết kế để hộ gia đình ở và hiện vẫn chưa được cải tạo theo đúng chức năng trưng bày mỹ thuật, đặc biệt là điêu khắc. Tòa nhà thuộc vào một cụm di tích lịch sử kiến trúc nên mọi tác động đều bị giới hạn, mặc dù đơn vị chủ quản đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho tôi và ekip thực hiện triển lãm rất nhiều.

- Có nghĩa là theo ông, giai đoạn trưng bày sáng tác cũng quan trọng không kém giai đoạn tạo nên chúng? Ông lựa chọn chất liệu ngay từ khi bắt đầu với ý tưởng tạo hình hay là có những thay đổi bắt buộc do hoàn cảnh thực tế?

- Ý tưởng và vật liệu song hành với nhau từ đầu trong quá trình sáng tác. Tôi luôn cố gắng thay đổi những hạn chế của không gian trưng bày để thích ứng với ý niệm nghệ thuật và chất liệu mình đã chọn. Có những sáng tác mà tôi thực hiện bằng gỗ hồng đào, gỗ sao tại xưởng đóng xuồng ở quê tôi. Sau đó, tôi vận chuyển chúng lên TP Hồ Chí Minh để tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn như Cội rễ, gồm ba khối làm bằng gỗ hồng đào ghép lại, có đường kính 55cm, cao từ 160 đến 200cm, phần trên cùng có thêm chất liệu kính mầu được gia công theo đúng kỹ thuật thực hiện trên tiết diện cong. Tác phẩm này đặt trên sàn nên khá thuận lợi. Còn những bức cần treo trong không gian thì thật sự phức tạp, gặp một số trở ngại bởi hệ thống vách và trần của tòa nhà bảo tàng được làm hoàn toàn bằng vật liệu nhẹ, trong khi tác phẩm có kích thước lớn, như Mã nguồn, chất liệu inox, kích thước là 300x400x600cm, Âm-Dương, chất liệu gỗ sao, đồng, phủ sơn ta, kích thước 25x55x350cm... có trọng lượng khá nặng.

Cần nhiều hỗ trợ đồng bộ cho điêu khắc Việt Nam

- Việc kiến tạo không gian và cách thức sắp xếp sáng tác điêu khắc theo hướng tạo không gian thưởng ngoạn đa chiều hơn đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng năm, bảy năm trở lại đây, đẩy việc trưng bày sáng tác điêu khắc xa khỏi thông lệ "bục bệ tự nhiên chủ nghĩa" như trước. Thực tế này có những tác động tích cực như thế nào đến tư duy sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc nói chung và với ông, nói riêng? Liệu có một sự chấp chới về ranh giới nào giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt ở đây không, theo ông?

- Như chúng ta cũng biết, khi các hình khối tạo hình không cần tới bục bệ để trưng bày nữa thì điêu khắc đương đại hình thành. Chính vì vậy, song hành với việc kiến tạo các không gian trưng bày, nghệ sĩ điêu khắc cần tạo được sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm trong sáng tạo. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, xu hướng trưng bày điêu khắc mà bạn vừa đề cập tưởng có thể tác động thúc đẩy tư duy sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc, nhưng thực tế, không hẳn. Đó vẫn chỉ là ngoại cảnh đơn thuần. Sự phát triển tư duy sáng tác của nghệ sĩ hoàn toàn phụ thuộc vào chính nội tâm của anh ta.

Không quan trọng về vấn đề tên gọi, nghệ thuật hôm nay đang làm nhòa ranh giới giữa hội họa, điêu khắc và cả kiến trúc. Một số kiến trúc lớn trên thế giới như Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao (Guggeinhem Museum Bilbao, Tây Ban Nha), ngoài công năng kiến trúc còn là một tác phẩm điêu khắc khổng lồ… Việc vạch một ranh giới giữa điêu khắc và sắp đặt càng là điều không cần thiết.

- Với Khải huyền, ông có thể chia sẻ thêm về lý do mà ông mong muốn thiết lập không gian cho các đơn vị tác phẩm?

- Mỗi tác phẩm cần có một không gian "sống" phù hợp. Với Khải huyền, chính là không gian nội thất với các tác phẩm có kích thước phù hợp. Điều kiện hiện tại không cho phép tôi chủ động chọn không gian bởi có khá nhiều ràng buộc về thời gian, chi phí cũng như những điều kiện khác từ địa điểm mà tôi có thể thuê trưng bày triển lãm. Vì thế, khi thỏa thuận được với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố về thời gian và địa điểm trưng bày, tôi đã tập trung thiết kế trước các không gian giả lập trên máy tính để chuẩn bị tốt nhất có thể cho việc triển khai lắp đặt thiết bị ánh sáng và các kỹ thuật trưng bày. Một tuần lễ cho cả quá trình lắp đặt triển lãm, tương đương thời gian trưng bày, có lẽ cũng là một khoảng thời gian không thể quên trong tôi.

Tôi hy vọng sẽ có thêm các không gian trưng bày chuyên nghiệp cho nghệ thuật đương đại, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, nơi đang khan hiếm các không gian này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sáng tạo là hành trình chiêm nghiệm thực tại ảnh 1
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (sinh năm 1957) hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ông được biết đến như một nghệ sĩ điêu khắc dành nhiều thời gian và tâm huyết cho hoạt động nghề nghiệp. Ông là một trong những sáng lập viên của chương trình triển lãm điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn/Sài Gòn-Hà Nội, quy tụ các nhà điêu khắc yêu nghề

thuộc nhiều thế hệ, trở thành sự kiện nghệ thuật quy mô lớn và được công chúng đón nhận từ năm 2010.

"Triển lãm Khải huyền của Bùi Hải Sơn, về mặt hình thức là một nỗ lực nghệ thuật giàu tham vọng, nâng hình tượng hạt lúa từ một đối tượng/vật thể điêu khắc thành một không gian sắp đặt điêu khắc kết tinh trọn vẹn trong tổng hòa các khối vật chất hữu hình và khối tích không gian vô hình của bốn phòng trưng bày rộng 450m2" - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Viện Mỹ thuật-Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.