Lý do được đưa ra rất đơn giản: Ban Quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã sớm ký hợp đồng với chương trình “Anh trai say hi” và ấn định thời gian tổ chức. Sự kiện diễn ra chỉ một tuần trước khi ĐT Việt Nam tiếp ĐT Indonesia tại ASEAN Cup (tiền thân là AFF Cup). Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), sân không được tổ chức các hoạt động khác ít nhất ba tuần trước trận đấu để bảo đảm chất lượng mặt cỏ. Bởi vậy, ĐT Việt Nam phải tìm sân khác và được sự đồng ý của AFC.
Thật ra, để tổ chức các trận đấu của ĐT tại sân Mỹ Đình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều phải thuê sân với mức giá hàng trăm triệu đồng/trận. Khu liên hợp thể thao quốc gia đã được giao tự chủ tài chính 100%. Vì vậy, “Anh trai say hi” hay VFF cũng đều là khách hàng, hợp đồng đã ký với giá trị lớn, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Tuy nhiên, cũng chính Khu liên hợp thể thao quốc gia lại đề xuất và được Nhà nước cấp ngân sách hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp phục vụ SEA Games 31 cách đây hơn 2 năm. Mối quan hệ quản lý, phối hợp giữa các cơ quan trong ngành thể thao, hay chuyện tự chủ - bao cấp trở nên khá khó cắt nghĩa sau việc sử dụng sân Mỹ Đình.
Nhìn theo một góc khác, chuyện ĐT quốc gia thi đấu tại sân Việt Trì cũng mang đến một làn gió mới cho người hâm mộ bóng đá ngoài Thủ đô. Quan trọng hơn, mặt sân Việt Trì chắc chắn đẹp hơn Mỹ Đình. Ngay lúc này, mặt cỏ sân Mỹ Đình không được đẹp do là nơi thi đấu của Thể Công Viettel tại V.League, vừa liên tục tổ chức các sự kiện giải trí.
Với tình hình như vậy, ĐT Việt Nam thi đấu trên sân Việt Trì cũng là dịp tốt để khán giả có cơ hội được chứng kiến màn trình diễn của các tuyển thủ quốc gia tại giải đấu quốc tế. Vấn đề người hâm mộ quan tâm hơn hiện nay chính là ở chỗ các tuyển thủ sẽ thể hiện trình độ và phong độ ra sao để có được kết quả tốt nhất trên sân nhà.