Cũng trong năm nay giải vô địch quốc gia V.League có thêm thay đổi trong điều lệ, theo đó các đội bóng được phép có 2 cầu thủ Việt kiều mà không bị xem là ngoại binh. Cùng với việc giải đấu V.League đang ngày càng thu hút nhiều hơn các cầu thủ Việt kiều thì các đội bóng chắc chắn sẽ tận dụng tối đa những điểm mới trong điều lệ giải.
Một thực tế cần nhìn nhận trước là khi một đội bóng sử dụng hết cầu thủ Việt kiều, có nhiều khả năng đội bóng ấy sẽ cho ra sân tới 5 cầu thủ không có nguồn gốc từ Việt Nam, bao gồm 2 cầu thủ Việt kiều và 3 ngoại binh. Con số này thậm chí còn cao hơn nếu đội bóng có thêm ngoại binh đã nhập quốc tịch Việt Nam. Điều đó có nghĩa là số cầu thủ nội binh sẽ ra sân ở một đội bóng V.League chỉ còn khoảng 4-6 người. Nhìn từ góc độ phát triển năng lực của cầu thủ Việt Nam thì rõ ràng đây là điều bất lợi, bởi số cầu thủ Việt Nam được thi đấu để rèn giũa kinh nghiệm giảm đi. Được biết, sở dĩ cơ quan quản lý bóng đá đưa ra chính sách mới nói trên là để phù hợp với tình hình thực tại, khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không khống chế số lượng ngoại binh ở các giải đấu cấp CLB và các đội bóng Việt Nam sẽ thiệt thòi về mặt lực lượng nếu không kịp thời có chính sách phù hợp khi thi đấu ở đấu trường quốc tế. Dù vậy, với chính sách mới, các cầu thủ nội nếu được ra sân sẽ phải nỗ lực hơn trước rất nhiều mới cạnh tranh được với số cầu thủ không phải là 100% nội địa.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc cải thiện chất lượng cầu thủ nội không thể đạt kết quả ngay trong ngắn hạn. Đơn cử như Indonesia, dù hiện tại đang thành công với dàn cầu thủ nhập tịch song lứa cầu thủ nội ở lớp kế cận chưa có chỗ đứng trên tuyển quốc gia. Một chiến lược ưu tiên phát triển cầu thủ trẻ vì thế rất quan trọng và cần thiết để bóng đá Việt Nam có sự cân bằng về trình độ giữa các lứa cầu thủ, bảo đảm đi lên bền vững trong bối cảnh cầu thủ ngoại được sử dụng ngày càng nhiều.