Vị tân HLV đã tỏ ra tinh mắt và bắt đúng “căn bệnh” đang khiến ĐTVN xuống dốc không phanh. Đó là việc các cầu thủ cựu binh mất phong độ hàng loạt và thiếu động lực cũng như khát khao thi đấu giành thắng lợi. Tâm lý cũng đè nặng lên đôi chân của các cầu thủ trẻ, vốn không có nhiều cơ hội được cọ xát tích lũy kinh nghiệm trong suốt vài đời HLV.
Thật ra, “căn bệnh” nói trên của ĐTVN không đến từ đời HLV trước đó, ông Troussier, mà có nguồn gốc từ thời HLV Park Hang-seo. Chuỗi thành tích ấn tượng kéo dài trong vài năm từ 2018 và áp lực phải duy trì thành tích ấy khiến ông Park chỉ sử dụng một đội hình đã tin tưởng. Dù đôi lúc tuyên bố về việc phát triển tài năng trẻ (có lẽ là để chiều lòng dư luận) song HLV Park gần như không sử dụng cầu thủ trẻ trong nhiệm kỳ của mình. Hệ quả là tới khi đội hình cựu binh đã được “vắt kiệt” và bắt đầu đi xuống dù còn ở độ tuổi sung sức thì ông Park... rút lui đúng lúc. HLV kế tiếp Troussier, là một chuyên gia giàu kinh nghiệm nên chẳng khó nhìn ra tình trạng xộc xệch của đội ngũ cầu thủ thời HLV Park Hang-seo. Ông đã không dùng các cựu binh mà thay vào đó chỉ sử dụng cầu thủ trẻ. Sai lầm là ở chỗ cầu thủ trẻ hoàn toàn non kinh nghiệm và không được thử thách từ thời HLV tiền nhiệm, nên giải pháp của HLV Troussier phá sản. Tới thời điểm hiện tại, về cơ bản thì HLV Kim Sang-sik đã dung hòa cả hai giải pháp của các HLV đời trước, song vấn đề nằm ở con người.
Trong ngắn hạn, việc trông chờ HLV Kim Sang-sik xây dựng lối chơi mới e là bất khả thi. Trước mắt, đúng là cần cải thiện tâm lý và động lực thi đấu cho đội ngũ hiện có. Về lâu dài, một lối chơi ổn định là rất cần thiết với một lứa cầu thủ mới còn giàu ý chí học hỏi và khát khao chiến thắng. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của HLV Kim Sang-sik hiện nay.