Nếu theo dõi các biến động của bóng đá Việt Nam trong thời gian dài, có thể thấy việc xuống dốc của các đội tuyển trẻ có nguyên nhân sâu xa ngay từ giai đoạn bóng đá Việt Nam thành công dưới thời HLV Park Hang-seo. Các thành tích mà thế hệ “vàng” của Quang Hải, Công Phượng đạt được một cách không quá khó khăn đã khiến người ta có phần tự mãn và công tác đào tạo trẻ trong giai đoạn này bị lơi lỏng, thậm chí thả nổi. Dù ai cũng hiểu rằng chẳng phải lúc nào nền bóng đá cũng sản sinh ra “thế hệ vàng”, song khi công tác đào tạo trẻ ít được quan tâm thì hệ quả nhãn tiền là khó mà tìm được tài năng trẻ ở mức độ “chấp nhận được”. Đó là chưa kể tới việc cầu thủ trẻ dưới thời HLV Park Hang-seo không hề được trao cơ hội thử thách, bằng chứng là đội hình ĐTVN chỉ gồm một số cựu binh trụ cột được dùng đi dùng lại suốt 5 năm. Nói như vậy để thấy rằng, các lứa cầu thủ trẻ Việt Nam hiện tại chưa đủ chất lượng để có thể chơi sòng phẳng ngay ở tầm khu vực với các đối thủ mạnh như Thailand và Indonesia. Đó là thực tế cần phải chấp nhận. Trở lại với tuyển U20 Việt Nam ở vòng loại U20 châu Á vừa qua, dễ thấy đội bóng Việt Nam không có lối chơi rõ ràng và cũng mơ hồ về ý đồ chiến thuật. Đặc điểm này không chỉ riêng ở U20 mà còn xảy ra ở các tuyến trẻ khác và đó là lỗi hệ thống.
Với những gì đang có trong tay, điều đơn giản là cần phải kiên nhẫn với lứa trẻ. Họ cần được quy hoạch lại một cách thống nhất về chuyên môn với việc tìm kiếm các HLV giỏi, quan trọng hơn, họ cần được trao cơ hội nhiều hơn nữa ở các trận đấu quốc tế. Công tác đào tạo trẻ cần được chú trọng đầu tư trọng điểm, có như thế mới hy vọng có được lứa kế cận ổn định bổ sung cho ĐTVN trên hành trình tìm lại chính mình.