Rwanda tiên phong chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Bằng việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine HPV phòng, chống ung thư cổ tử cung và khám sàng lọc, điều trị kịp thời hoàn toàn miễn phí, Rwanda có thể là quốc gia đầu tiên ở châu Phi, thậm chí là trên thế giới, loại bỏ căn bệnh này.
0:00 / 0:00
0:00
Y tá Patricie (giữa) giải thích cho phụ nữ và trẻ em về cách khám sàng lọc. Ảnh: THE GUARDIAN
Y tá Patricie (giữa) giải thích cho phụ nữ và trẻ em về cách khám sàng lọc. Ảnh: THE GUARDIAN

Đúng 10 giờ sáng, nữ y tá Patricie Mukarukundo đứng trước những hàng ghế chật kín phụ nữ và trẻ em gái, giải thích cho họ về cách họ được khám sàng lọc. Tại Trung tâm y tế Rubona ở quận Huye (phía nam Rwanda), khoảng 40 phụ nữ có mặt để xét nghiệm lần đầu virus HPV, một bệnh phụ khoa có thể gây ung thư cổ tử cung. Trong số những phụ nữ khám lần này có Olive Uhutesi, 39 tuổi. “Một phụ nữ trong làng tôi bị ung thư cổ tử cung và qua đời. Nếu cô ấy được kiểm tra, cô ấy có thể đã được cứu. Đó là một căn bệnh rất nguy hiểm. Biết về nó ở giai đoạn sớm là một điều thuận lợi vì có thể điều trị được”, Uhutesi cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Khoảng 90% trường hợp tử vong vì căn bệnh này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Căn bệnh này cũng là loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ ở Rwanda. Tổng cộng 940 phụ nữ đã qua đời do ung thư cổ tử cung vào năm 2019. Gánh nặng lớn nhất ở châu Phi là do khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế công còn hạn chế và việc tầm soát, điều trị căn bệnh này chưa được thực hiện rộng rãi.

The Guardian cho biết, từ năm 2011, Rwanda trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine HPV quốc gia, cung cấp vaccine cho tất cả các bé gái 12 tuổi trong trường học. Kể từ khi bắt đầu, chương trình đã liên tục đạt được hơn 90% độ bao phủ vaccine. Hơn 1,2 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi. Con số này đã vượt qua các quốc gia khác, bao gồm cả các nước phương Tây, nơi độ phủ sóng vaccine HPV thuộc hàng cao nhất thế giới.

Do đó, Rwanda đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Phi và có thể là trên thế giới, loại bỏ ung thư cổ tử cung. TS Francois Uwinkindi, quản lý bộ phận các bệnh không lây nhiễm tại Trung tâm Y sinh thuộc Bộ Y tế Rwanda cho biết: “Chúng tôi là một trong những người đi đầu. Australia cũng đang triển khai rất tốt nhưng Rwanda có thể sẽ tới đích trước”.

Không chỉ triển khai chương trình tiêm chủng, Rwanda thời gian gần đây nhanh chóng mở rộng xét nghiệm ung thư cổ tử cung và đã triển khai hàng chục nghìn nhân viên y tế cộng đồng để nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Nhân viên y tế cộng đồng đi từng nhà ở các làng để cảnh báo về sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung và khuyến khích phụ nữ đi khám sàng lọc. Đó là cách Uhutesi biết đến chương trình này.

Theo The Guardian, tại quận Huye, sáng kiến ​​sàng lọc và điều trị đã bắt đầu vào năm ngoái, tiếp cận 13.377 phụ nữ trong tổng số 63.953 người đủ điều kiện tham gia. Theo TS Uwinkindi, hơn một nửa số cơ sở y tế ở Rwanda có dịch vụ kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung. Ông Uwinkindi cũng khuyến nghị, trong vòng hai năm nữa, tất cả các cơ sở y tế tại Rwanda sẽ được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế và cơ sở vật chất để có thể khám sàng lọc căn bệnh nói trên.

Một báo cáo của WHO cho biết, tổ chức này đã nỗ lực để giải quyết căn bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Năm 2020, WHO đã thông qua chiến lược toàn cầu về loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu, các quốc gia phải bảo đảm khoảng 90% trẻ em gái được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng HPV trước 15 tuổi; 70% phụ nữ phải khám sàng lọc ở độ tuổi từ 35-45; 90% phụ nữ tiền ung thư nên được điều trị, trong khi 90% phụ nữ bị ung thư xâm lấn nên được kiểm soát tình trạng này.