Eloisa Pentecotisa là một phụ nữ 28 tuổi mắc triệu chứng về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng nên bị gia đình ruồng bỏ. Cô phải xin ăn trên đường phố Yaoundé trong suốt thời gian dài. Một ngày, khi cô đang lục lọi thùng rác để tìm thực phẩm, một nhóm nhân viên y tế đã tiến lại và đề nghị cô đi cùng họ. Tám tháng kể từ khi trở thành cư dân tại “Ngôi làng tình yêu”, Pentecotisa đã được trị liệu miễn phí và có những chuyển biến tích cực.
Được thành lập vào tháng 5/2021, “Ngôi làng tình yêu” là dự án phối hợp chung giữa Bộ Y tế công cộng và Hội đồng thành phố Yaoundé. Ngôi làng đặc biệt này cũng được đặt trong khuôn viên Bệnh viện Jamot ở Thủ đô Cameroon. Tiến sĩ Justine Laure Menguene, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Jamot và là trưởng nhóm dự án nói trên cho biết: “Mục tiêu chính của chúng tôi là điều trị cho những người mắc bệnh tâm thần sống vô gia cư trên đường phố Yaoundé. Những người bị bệnh tâm thần cấp tính như Pentecotisa thường bị gia đình bỏ mặc khiến tình trạng của họ càng trở nên trầm trọng hơn. Đây là trung tâm chăm sóc miễn phí đầu tiên và duy nhất dành riêng cho những bệnh nhân vô gia cư ở Cameroon”.
Dự án “Ngôi làng tình yêu” gồm hơn 100 tình nguyện viên, trong đó có y tá, nhà tâm lý học, bác sĩ… Họ thường xuyên đi tới các đường phố tại Yaoundé nhằm tìm kiếm những người vô gia cư cần giúp đỡ, thường là những cá nhân sống khó khăn, bị gia đình ruồng bỏ hoặc kỳ thị vì mắc triệu chứng về sức khỏe tâm thần. Dù vậy, không phải tất cả đều sẵn lòng phối hợp với các tình nguyện viên.
Bà Menguene cho biết, đôi khi các tình nguyện viên phải nỗ lực để đưa họ về làng: “Họ bị bệnh, một số thậm chí được tìm thấy trong tình trạng trần truồng và ăn rác. Họ không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra”. Audrey Pokam, nhà tâm lý học của dự án chia sẻ: “Tình yêu là liều thuốc đầu tiên của chúng tôi. Khi bệnh nhân đến, chúng tôi đối xử với họ bằng tình yêu thương. Chúng tôi cho họ thấy rằng họ quan trọng. Nhiều người đã bị gia đình bỏ mặc khi phát bệnh”.
Trong số hơn 100 bệnh nhân ở làng, khoảng 95% mắc bệnh tâm thần phân liệt; 5% còn lại là các bệnh nhân lao, hoặc một số bệnh khác. Đối với nhiều người, bao gồm cả Pentecotisa, đến với ngôi làng này cũng là lần đầu họ được chẩn đoán bệnh. Tại đây, họ sẽ được điều trị và dạy kỹ năng sống. Trung tâm đã điều trị cho hơn 630 bệnh nhân, hiện chăm sóc 114 người nội trú và hơn 350 bệnh nhân ngoại trú.
Phải mất nhiều tháng điều trị và trị liệu thì Pentecotisa mới bắt đầu chia sẻ. Cô cho biết: “Trên đường phố, mọi người gọi tôi là kẻ điên. Ở đây các tình nguyện viên coi tôi như một con người. Tôi giúp việc nhà, giặt giũ, rửa bát. Tôi trò chuyện với những bệnh nhân khác”, cô nói. Sau 10 tháng điều trị, Pentecotisa giờ đã có nhiều ước mơ. “Tôi muốn trở thành giáo viên, kết hôn và sinh con”, cô gái 28 tuổi hào hứng nói.
Theo The Guardian, bệnh tâm thần ở Cameroon thường bị hiểu lầm và kỳ thị. Nhiều người Cameroon quan niệm rằng, các bệnh nhân tâm thần là do “bị phù thủy làm phép”. Có rất ít dữ liệu về quy mô của bệnh tâm thần trong nước và sự thiếu hụt các chuyên gia y tế liên quan khiến nhiều người không được chẩn đoán và điều trị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020 chỉ có 12 bác sĩ tâm thần, 300 nhà tâm lý học và 150 y tá sức khỏe tâm thần trên tổng số 28 triệu dân ở Cameroon. Đây là tỷ lệ quá thấp so các nước trên thế giới.
Do đó, việc “Ngôi làng tình yêu” được thành lập đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Các nhà sáng lập dự án này hy vọng thành công của dự án sẽ giúp người dân Cameroon hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, để các bệnh nhân không còn bị bỏ rơi và nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội.