Bài toán tái chế cánh turbine gió

Trên thế giới, ngày càng nhiều nơi lắp đặt turbine gió để phát điện, song hành với đó là vấn đề rác thải từ cánh quạt turbine cũ gia tăng. Điều này đang đặt ra bài toán khó cho nhiều địa phương và doanh nghiệp ở Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân tháo dỡ cánh tuabin. Ảnh: GETTY
Công nhân tháo dỡ cánh tuabin. Ảnh: GETTY

Theo Bloomberg, những cánh quạt khổng lồ của turbine điện gió cần thay thế sau khoảng 20 năm sử dụng, chưa kể thời gian có thể còn phải rút ngắn hơn trong trường hợp chúng bị hỏng hóc hoặc cần nâng cấp. Song, cánh turbine gió cũng rất khó tái sử dụng vì kích thước lớn và thành phần vật liệu, chẳng hạn như những bộ phận làm từ sợi thủy tinh, gần như không thể tái chế. Thống kê cho thấy, đến nay phần lớn turbine gió hết hạn sử dụng đều nằm lại tại các bãi rác.

Đối mặt với vấn đề này, Veolia - một công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực quản lý rác thải và năng lượng, đã thử nghiệm phương pháp cắt nhỏ cánh quạt gió để sử dụng làm nhiên liệu cho nhà máy sản xuất xi-măng. Veolia thu thập lại cánh quạt cũ và xây dựng một “nhà máy tái chế” có khả năng cắt nhỏ cánh turbine khổng lồ, sau đó cung cấp làm chất đốt cho nhà máy xi-măng tại thị trấn Louisiana, bang Missouri. “Năng lượng gió đang phát triển nhanh hơn, đi cùng với việc công suất điện gió toàn cầu tăng lên, điều này có thể đồng nghĩa với khủng hoảng rác thải từ những turbine cũ”, ông Micheal Kev - đại diện Veolia cho biết.

Theo ông, các công đoạn tái chế turbine ở Veolia bao gồm bước đầu tiên là cắt cánh quạt thành các đoạn nhỏ và ngắn như tấm ván gỗ, để dễ xử lý. Công nhân bốc dỡ sau đó sẽ chuyển các đoạn cắt đến nhà máy để băm thành mảnh vụn có kích thước nhỏ hơn nữa trước khi đưa vào máy nghiền. Hiện tại, công ty năng lượng GE là một trong những nhà cung cấp turbine điện gió lớn của Mỹ, đang trả thêm tiền cho Veolia để giúp tái chế các cánh quạt của họ.

“Veolia xử lý cánh turbine gió của GE, băm vụn chúng và gửi đến các nhà máy xi-măng”, Micheal chia sẻ. “Các nhà máy xi-măng đốt cánh turbine để thay thế một phần than mà họ thường sử dụng. Điều này khiến cho quy trình sản xuất của họ giảm bớt nhiên liệu hóa thạch”, đại diện Veolia cho biết. Công ty này cũng cho rằng, lợi ích chính của việc băm nhỏ và đốt các cánh turbine khổng lồ là giúp tiết kiệm không gian cho các bãi chôn lấp, đồng thời xử lý được một lượng lớn vật liệu tồn.

Tuy nhiên, TS Paul Jensen, giảng viên khoa Kinh doanh, môi trường và phát triển tại Đại học Leeds (Anh), vẫn còn nghi ngờ về việc đốt vật liệu làm cánh turbine hiện nay. “Nhiều nghiên cứu đã chỉ trích điện gió có thể gây ra tình trạng “rác năng lượng” do vật liệu sản xuất cánh quạt không thể tái chế. Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để có thể tạo ra loại vật liệu mới chế tạo cánh quạt đáp ứng tiêu chí bền vững và thân thiện môi trường hơn”.

Trên thế giới, một số doanh nghiệp đã tái sử dụng cánh quạt turbine gió cho công trình xây dựng, bao gồm làm cầu, tháp phát sóng điện thoại di động hoặc tường bao. Nhà đổi mới sáng tạo người Anh Larry Banks đang dẫn đầu một nhóm khởi nghiệp có tên là Re-Wind (tạm dịch là “Tái tạo gió”). Re-Wind sử dụng cánh turbine để xây dựng cầu dành cho người đi bộ ở Ireland. Họ cũng đang thực hiện dự án biến turbine gió thành tháp điện thoại di động và rào chắn an toàn cho đường giao thông. Các kiến ​​trúc sư ở Hà Lan đã có cách sáng tạo khác để tái sử dụng turbine. Họ thiết kế cánh turbine cũ thành ghế băng và cột căng lưới cho sân chơi ở công viên. Một công ty ở Đan Mạch có tên là Siemens Gamesa đã xây dựng nhà kho bằng turbine cũ.

Dù vậy, những giải pháp tập trung vào tái sử dụng cũng rất khó có thể giải quyết được toàn bộ lượng rác thải turbine sắp tới. Theo Cơ sở dữ liệu turbine gió của Mỹ, hiện có hơn 70.000 turbine ở trên khắp nước Mỹ. Với kế hoạch mở rộng năng lượng gió ngoài khơi, số lượng này sẽ còn tăng nhanh chóng. Trên quy mô toàn cầu, các nghiên cứu dự đoán rác thải từ các cánh turbine sẽ tăng hơn 47 triệu tấn vào năm 2050.