“Phụ nữ ngồi sau tay lái”

Từ ghế lái phụ, giáo viên dạy lái xe Nancy Gobran đang hướng dẫn học sinh của mình cách cho xe di chuyển. Học viên của Gobran là một phụ nữ tị nạn 30 tuổi người Syria. Đây là lần đầu cô gái này được lái một chiếc ô-tô.
0:00 / 0:00
0:00
Gobran và học sinh trong một buổi học. Ảnh: AP
Gobran và học sinh trong một buổi học. Ảnh: AP

“Quay vô-lăng rồi tăng tốc”, Gobran nhẹ nhàng nói bằng tiếng Arab. Nắm chặt tay lái, học viên thận trọng vòng qua các góc bãi đỗ xe trong giờ học kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Gobran đã dạy lái xe được gần 5 năm trong khuôn khổ dự án mang tên “Phụ nữ ngồi sau tay lái”. Chương trình này cung cấp 14 giờ đào tạo lái xe miễn phí cho hầu hết phụ nữ là người tị nạn và nhập cư. Nhiều phụ nữ đăng ký đến từ các quốc gia không khuyến khích phụ nữ lái xe hoặc ra ngoài làm việc.

Việc đào tạo lái xe miễn phí cho phụ nữ không phải là một khái niệm mới, nhưng “Phụ nữ ngồi sau tay lái” là chương trình duy nhất ở bang Georgia (Mỹ). Gobran cho biết: “Việc giúp đỡ nhiều người tị nạn không hề dễ dàng. Lúc đầu, một số người có cảm giác bối rối khi lần đầu ngồi sau tay lái, nhưng đến cuối chương trình họ đã đạt được mục đích”.

Theo AP, học sinh đăng ký chương trình lái xe thông qua Ethaar, một tổ chức phi lợi nhuận ở khu vực Atlanta chuyên hỗ trợ các gia đình tị nạn trong quá trình tái định cư. Người đồng sáng lập Ethaar, Mona Megahed cho biết, cô thành lập “Phụ nữ ngồi sau tay lái” để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình tị nạn, một phần xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa.

Megahed chia sẻ: “Chúng tôi muốn trao quyền cho các khách hàng nữ, vì nhiều người trong số này đang gặp khó khăn kinh tế vì thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích phụ nữ học cách lái xe và ra ngoài tìm việc”.

Đến nay, đã có 230 học viên tốt nghiệp chương trình “Phụ nữ sau tay lái”. Chương trình lái xe thường có danh sách chờ từ ba đến bốn tháng vì nhu cầu tăng cao.