Indonesia xây đê biển chống ngập đảo Java

Bộ Kinh tế Indonesia sẽ mở rộng đại dự án đê biển trị giá 10,5 tỷ USD bao quanh phía bắc đảo Java nhằm ngăn ngập lụt do sụt lún.
0:00 / 0:00
0:00
Bản vẽ mô tả dự án tường chắn biển của Java. Ảnh: NCICD
Bản vẽ mô tả dự án tường chắn biển của Java. Ảnh: NCICD

Theo Jakarta Post, ngày 10/1 vừa qua, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về bảo vệ đảo Java, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto thông báo: “Một nhóm chuyên trách sẽ sớm được thành lập để thực hiện dự án xây đê biển bao quanh toàn bộ khu vực phía bắc đảo Java, không chỉ Thủ đô Jakarta và Semarang”. Ông Hartarto cho biết, hệ thống đê biển có tên “Great Garuda” này sẽ được xây trong ba giai đoạn, kéo dài đến năm 2040, trong đó hai giai đoạn đầu cần đầu tư 164,1 nghìn tỷ rupiah (tương đương 10,5 tỷ USD). Bộ trưởng Hartarto không đề cập chi phí giai đoạn ba, song ước tính tổng chi phí dự án có thể lên tới 60 tỷ USD.

Ý tưởng này đã được ấp ủ hơn một thập kỷ nay, trong bối cảnh Jakarta ngày một chìm nhanh hơn và hiện là siêu đô thị có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới. Theo ông Airlangga Hartarto, Jakarta đang chìm với tốc độ 25 cm/năm. Thực tế này đòi hỏi Indonesia phải nhanh chóng hồi sinh kế hoạch xây dựng đê biển. Giới chuyên gia cảnh báo một phần ba Jakarta có nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu không được kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Indonesia bày tỏ lo ngại về thời gian thi công dự án. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cho rằng, sẽ mất khoảng 40 năm để hoàn thành. Do đó, các lãnh đạo nước này qua các thời kỳ cần đồng lòng để có thể theo đuổi dự án đến cùng.

Indonesia được gọi là “xứ sở vạn đảo” bởi lãnh thổ bao gồm hơn 17 nghìn hòn đảo. Hầu hết các hòn đảo nhỏ của Indonesia chỉ cao hơn một mét so mực nước biển và nhiều khu vực ven biển đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Java là đảo đông dân nhất Indonesia, với dân số 50 triệu người, đóng góp 20,7% GDP quốc gia. Tình trạng sụt lún đang đe dọa 70 khu công nghiệp, 5 đặc khu kinh tế cùng nhiều hạ tầng sân bay, đường sắt, bến cảng tại đây, gây thiệt hại 134 triệu USD mỗi năm, có thể tăng lên 642 triệu USD mỗi năm trong thập kỷ tới.