Những bức vẽ mờ nhạt về những đứa trẻ đang mỉm cười vẫn còn in lại trên các bức tường tại Trường tiểu học Ashigakubo thuộc thị trấn Yokoze, tỉnh Saitama, một trong hàng nghìn trường học đã đóng cửa ở Nhật Bản trong 20 năm qua. Chia sẻ với AFP, Thị trưởng Yokoze, ông Yoshinari Tomita cho biết, ngôi trường có tuổi đời hơn một thế kỷ nói trên đã buộc phải đóng cửa vào năm 2009 khi những đứa trẻ cuối cùng rời đi để theo học một ngôi trường lớn với nhiều học sinh hơn.
Sau khi bỏ hoang hàng chục năm, chính quyền địa phương đang nỗ lực làm sống lại khu đất này. Theo đó, giới chức Yokoze đã tu sửa lại các tòa nhà, và biến cơ sở của Ashigakubo thành trung tâm tổ chức hội thảo giữa các bậc phụ huynh và con cái hằng tuần, các hội thảo kinh doanh và đôi khi được thuê để quay phim, tổ chức sự kiện hóa trang, hay phục vụ như một trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên, sau khi được nâng cấp đạt tiêu chuẩn yêu cầu vào năm 2019.
“Ở Nhật, anime (hoạt hình) rất phổ biến. Vì vậy, trường được dùng để làm nơi chụp ảnh cosplay, quay phim hoặc làm lớp dạy nghề cho công ty đào tạo diễn xuất. Chúng tôi đã quảng bá hình ảnh của trường sang nhiều lĩnh vực khác nhau để bảo đảm rằng ngôi trường có thể được sử dụng theo nhiều mục đích”, ông Yoshinari Tomita cho biết. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng này đã giúp ngôi trường Ashigakubo cũ mang lại cho Yokoze nguồn doanh thu mới. Năm 2022, chính quyền Yokoze thu được 200.000 yên (khoảng 1.300 USD) nhờ khu đất này. Trước đại dịch Covid-19, con số này ước tính lớn hơn. Tuy không phải là nguồn doanh thu quá lớn, song số tiền thu được từ trụ sở trường Ashigakubo cũng góp phần cho nền kinh tế vốn eo hẹp tại tỉnh với 7.800 cư dân như Saitama.
Trong khi đó, một trong những trường học không sử dụng tại thành phố Namegata, tỉnh Ibaraki, đã được một công ty mua lại và biến thành công viên giải trí nông nghiệp từ năm 2015, với các cửa hàng nông sản và bếp nấu ăn. Sáng kiến này thu hút rất nhiều du khách tới đây tham quan và trải nghiệm nông sản. Theo Japan Times, dân số Namegata giảm nhanh chóng, với tỷ lệ 20%, xuống còn khoảng 30.000 người từ năm 2009 đến năm 2023. Số trẻ em cũng giảm hơn một phần ba, do đó, số trường học giảm từ 22 xuống còn 7 học sinh.
Ông Tetsuro Kinoshita, quản lý của Hội Nông dân Namegata cho biết: “Việc tái tạo và chuyển đổi mục đích những ngôi trường cũ khiến người dân trong vùng hài lòng, vì giúp tạo việc làm và tiếp tục sản xuất đặc sản khoai lang của địa phương”. Thị trưởng Namegata, ông Shuya Suzuki cũng khẳng định: “Sáng kiến về việc thay đổi diện mạo trường học cũ tại Namegata là một trong những trường hợp điển hình về việc tái sử dụng trường học trong nước. Các địa phương nên chuyển đổi công năng các khu đất này sang các phương án gần gũi với người dân, gắn kết với khu vực”.
Ngoài hai thành phố kể trên, hai trường học cũ ở vùng Kochi và tỉnh Mie cũng được đánh giá cao khi mở cửa trở lại với diện mạo mới là một thủy cung và cửa hàng bán đồ tái chế.
Theo The Straits Times, Nhật Bản có dân số già thứ hai trên thế giới sau Monaco. Quốc gia này có 14,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chỉ chiếm 11,5% tổng dân số và ít hơn 4 triệu so đầu những năm 2000. Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 2002 đến năm 2020, 8.580 trường công lập đã đóng cửa. Con số này hiện vẫn tăng lên theo thời gian. Dù việc tái xây dựng và chuyển đổi công năng các trường học cũ được đánh giá là tốn kém, song giới chức “xứ hoa anh đào” vẫn triển khai kế hoạch này vì trường học từ lâu đã là biểu tượng của cộng đồng. Không chỉ vậy, kế hoạch này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực.