“Kinh đô mới” của thời trang thế giới

Châu Âu trước nay vốn được coi là trung tâm của thời trang thế giới với hàng loạt tuần lễ thời trang đình đám như “Paris Fashion Week” hay “Milan Fashion Week”, song thời gian gần đây, việc giới chức “lục địa đen” chú trọng vào ngành dệt may đang khiến châu Phi dần được coi là “kinh đô mới” của thời trang toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một bộ sưu tập trong Lagos Fashion Week. Ảnh: GETTY IMAGES
Một bộ sưu tập trong Lagos Fashion Week. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại nhà xưởng của “This is Us” , công ty chuyên sản xuất các thiết kế thời trang đương đại của Nigeria ở thành phố Lagos, các thợ may đang bận rộn cắt vải. Nhà thiết kế Oroma Cookey-Gam, đồng sáng lập “This is Us” cho biết: “Sự quan tâm của thế giới đối với hàng hóa do châu Phi sản xuất đã tăng lên trong những năm gần đây, nhờ những sự kiện văn hóa có liên quan khu vực, chẳng hạn như bộ phim Black Panther (tạm dịch là “Chiến binh báo đen”), lấy bối cảnh ở đất nước giả tưởng Wakanda, một “Vườn địa đàng ở châu Phi”, hay sự bùng nổ của dòng nhạc gốc Phi là Afrobeats. Không chỉ vậy, việc những ngôi sao da mầu như Beyoncé, Naomi Campbell và Chimamanda Ngozi Adichie quảng bá những sáng tạo của các nhà thiết kế trong khu vực cũng góp phần đưa các sản phẩm thời trang châu Phi đến gần thế giới hơn”.

Theo The Guardian, thời gian qua, xu hướng thời trang hiện đại sử dụng các loại vải và cấu trúc bắt nguồn từ châu Phi đã được giới trẻ đón nhận. Năm 2019, nhà thiết kế Sébastien Bazemo đến từ Burkina Faso đã “hồi sinh” loại vải truyền thống đầy mầu sắc Koko Dunda của nước này, tạo ra những sản phẩm hiện đại từ loại vải này giúp các thiết kế Koko Dunda đến gần phương Tây. Ước tính, hiện có hơn 30 tuần lễ thời trang trên khắp “lục địa đen” mỗi năm.

Doanh nhân Omoyemi Akerele, người điều hành tuần lễ thời trang hằng năm ở Lagos cho biết: “Trước đây, ngành công nghiệp thời trang châu Phi thường đi theo xu hướng châu Âu nhưng thời gian gần đây, những nhà sáng tạo và thiết kế đang nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và khẳng định với thế giới họ là ai và tôn lên những nét văn hóa cộng đồng của họ trong các thiết kế”.

Dù phong trào “Sản xuất tại châu Phi” đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, song các nhà sáng tạo châu Phi cho biết, nhiều người trong khu vực vẫn không thể tiếp cận được thiết kế của họ do chi phí sản xuất và nhập khẩu hàng dệt may khá cao, ảnh hưởng đến giá bán chung. Thí dụ, các sản phẩm quần, áo của “This is Us” thường có giá dao động từ khoảng 50.000 đến 150.000 naira Nigeria (tương đương 50 đến 150 bảng Anh). Đây là mức giá khá cao với nhiều người dân châu Phi. Do đó, khách hàng chính của công ty này thường là những người có thu nhập cao ở Nigeria hoặc người châu Phi ở nước ngoài.

Trước tình hình đó, Roberta Annan, người sáng lập “Quỹ hỗ trợ cho các nhà sáng tạo châu Phi” (IFFAC), một quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp sáng tạo trên khắp châu Phi, cho biết: “Chúng ta cần xem xét việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lực cho các nhà thiết kế phát triển để họ có thể tiếp cận các loại hàng dệt khác nhau tại địa phương”. IFFAC gần đây đã hỗ trợ các doanh nghiệp thời trang bền vững bằng các khoản tài trợ và đầu tư lên tới 1,7 triệu bảng Anh để xây dựng lĩnh vực này. Tổ chức nói trên cũng mua một nhà máy ở Ghana trước đây thuộc sở hữu của chính phủ để tăng năng lực sản xuất dệt may địa phương. Các nhà thiết kế cho biết, những biện pháp kiểu này có thể mang tính đột phá, giúp cộng đồng sáng tạo thời trang trong khu vực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo nhà thiết kế Cookey-Gam, thời trang châu Phi hiện vẫn còn rất non trẻ so thế giới, đặc biệt là phương Tây, do đó các nhà sáng tạo ở khu vực này cần nhiều yếu tố khác nhau trong lĩnh vực này có thể đạt tới chất lượng mong muốn. Bà Gam cũng cho rằng, thời trang là ngành nghề cần nhiều nhân công, do đó nếu chú trọng phát triển, lĩnh vực này cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của nhiều người dân. “Chúng ta đã đi đúng hướng. Trong tương lai, ngành dệt may và thời trang có thể thay đổi gương mặt của lục địa này”, bà Gam nhấn mạnh.