Ấn Độ hồi sinh đất nông nghiệp

Trước những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH), người dân ở vùng nông thôn bang Rajasthan (Ấn Độ) đã có những hành động thiết thực nhằm hồi sinh các vùng đất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Sharma uống nước từ một giếng ngầm trong làng. Ảnh: THE GUARDIAN
Ông Sharma uống nước từ một giếng ngầm trong làng. Ảnh: THE GUARDIAN

Đứng giữa cánh đồng lúa mì tươi tốt khác hẳn những năm trước đây, ông Hemraj Sharma, người dân Rajasthan cho biết: “Trước đây, ngôi làng Surajpura của chúng tôi là vùng đất nông nghiệp trù phú với lượng mưa dồi dào. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, BĐKH đã khiến hạn hán xảy ra liên tục. Nước giếng của chúng tôi dần cạn kiệt. Các trang trại đều không có sản lượng. Chúng tôi chỉ có một chu kỳ thu hoạch trong nhiều năm trở lại đây”. Ông Sharma cũng chia sẻ, cứ ba năm khu vực này lại hạn hán một lần. Không còn đất làm nông nghiệp, nhiều người dân trong vùng quyết định di cư đến thành phố để tìm kiếm việc làm.

Theo ông Sinha Roy, người đứng đầu Quỹ An ninh sinh thái (FES) - một tổ chức bảo tồn đất đai ở Rajasthan - bang lớn nhất Ấn Độ, là một trong những khu vực dễ bị hạn hán nhất, với 98% trong số 250 khu làng nằm trong các khu vực được đánh dấu là “vùng tối” - những khu vực có mực nước ngầm thấp đến mức nguy hiểm, và gần 7% diện tích đất không thể canh tác được. Năm 2023, LHQ cảnh báo, Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có mực nước ngầm đứng trước nguy cơ giảm mạnh.

Trước tình hình đó, dân làng Surajpura đã quyết định hành động. Họ chung tay xây một bức tường bùn cao 4,5 m và dài gần 1,6 km nhằm giữ nước mưa, cùng với đó là những đường rãnh dài nhằm dẫn nước tới các trang trại khô cằn. Nghe có vẻ đơn giản, song 650 cư dân đã làm việc vất vả suốt sáu tháng để thi công công trình này. Bà Sayari Kumavat, 50 tuổi, một nông dân tham gia dự án cho biết: “Tôi đã làm việc rất chăm chỉ để hoàn thành bức tường này. Tôi được trả công mỗi ngày song tôi cũng tình nguyện làm việc không công. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho làng và cho chính tôi”.

Năm 2023, bức tường đã vượt qua bài kiểm tra độ bền khi các trang trại đã không còn những vết nứt vì hạn hán sau hai thập kỷ. Kể từ đó, người dân Surajpura đã chứng kiến ​​trang trại của họ hồi sinh, giếng nước được lấp đầy. Không chỉ vậy, những người dân làng bỏ đi tìm việc làm cũng đã trở về trang trại của họ. Ước tính, gần 60% số người di cư khỏi làng đã trở về. “Mọi người đang đầu tư vào chăn nuôi vì nước và thức ăn gia súc hiện đã có sẵn. Chúng tôi muốn khôi phục lại sinh kế gắn với nông nghiệp ở làng mình”, ông Sharma cho biết.

Mahavir Jat, 28 tuổi, là nông dân tiêu biểu khi quay lại làng. Anh làm việc ở Jammu trong sáu năm, chỉ kiếm được khoảng 10.000 rupee (120 USD) mỗi năm, song hiện thuê một trang trại ở Surajpura để nuôi hai con trâu. Với công việc mới, Jat kiếm được 3.000 rupee (36 USD) mỗi ngày từ việc bán sữa của chúng. “Tôi không thấy cần thiết phải di cư như trước đây nữa”, Jat khẳng định. Trong khi đó, những người nông dân như ông Sharma đã tìm thấy sự bình yên hiếm có trên cánh đồng của mình và cảm thấy lạc quan. Năm nay, ông thu hoạch được 50 tạ lúa mì trên trang trại rộng một ha. Đây là sản lượng lớn đầu tiên sau hơn 20 năm.

Công trình của người dân làng Surajpura đã khiến lượng nước mưa thấm vào lòng đất nhiều hơn, bổ sung lại các tầng ngậm nước và cải thiện chất lượng nước ngầm, giúp phụ nữ trong làng không còn phải đi bộ bốn giờ đồng hồ để lấy nước từ những chiếc giếng xa nữa. Hiện, hơn 40 trong số 100 giếng trong làng đã có nước. Năm 2023, những đàn cò sơn, loài chim di cư đã biến mất từ ​​nhiều năm trước cũng xuất hiện trở lại.

Theo The Guardian, công trình tại làng Surajpura được xây dựng như một phần của Chương trình Bảo đảm việc làm nông thôn quốc gia Mahatma Gandhi (MGNREGA), một chính sách phúc lợi xã hội do chính phủ điều hành và là một trong những chương trình việc làm lớn nhất thế giới. Ngoài Surajpura, một số cộng đồng khác tại Ấn Độ cũng đang giải quyết tình trạng khan hiếm nước với sự trợ giúp của chương trình MGNREGA. Những vùng đất được hồi sinh đã truyền cảm hứng cho những khu vực hạn hán học theo, từ đó, nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới.