Trước kỳ thi THPT quốc gia 2016

Rối bời hướng nghiệp, phân luồng

Quy chế thi - tuyển sinh liên tục được sửa đổi, bổ sung hằng năm, phương thức xét tuyển cũng ngày càng linh hoạt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường. Điều này đáng lẽ phải giúp thí sinh định hướng tương lai tốt hơn, nhưng không, càng đến sát mùa thi các em lại càng bối rối.

Học sinh đang theo học một lớp nghề tại Trường TCCN Quang Trung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).
Học sinh đang theo học một lớp nghề tại Trường TCCN Quang Trung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).

Điểm vênh thực tiễn

Như một guồng quay định kỳ, cứ đến đầu tháng hai hằng năm là công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho học sinh tại các trường THPT lại nở rộ. Từ trung tâm tư vấn hướng nghiệp, các trường cho đến báo đài thi nhau tiếp thị, tư vấn. Cách làm này khiến học sinh dù bội thực với các tư vấn mà vẫn đói thông tin mình cần.

Nhiều chuyên gia đã phân tích, thực tế công tác hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT hiện nay đã và đang thực hiện theo hình thức “khoán” cho giáo viên chủ nhiệm (rất ít trường có đội ngũ tư vấn viên) với hình thức thông qua các buổi sinh hoạt, ngoại khóa, chuyên đề nghề nghiệp với thời gian rất ngắn, thông tin rất cũ, và đương nhiên sẽ chẳng mấy hiệu quả.

Chị N.H.L, giáo viên một trường THPT ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: Nói là thực hiện công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em chọn lựa ngành học phù hợp năng lực và sở thích. Nhưng kỳ thật, bản thân giáo viên chúng tôi có được tập huấn gì đâu, mọi thứ cứ làm theo kiểu biết sao thì khuyên học sinh thế. Vả lại bây giờ việc hướng nghiệp, gần như các trường dựa hẳn vào các chương trình tư vấn của các báo đài, trung tâm tư vấn hay các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)… Mà cứ sát mùa thi mới làm, hiệu quả dừng ở mức… hời hợt.

Mới đây, trong Đề án Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ rõ những bất cập về phân luồng, hướng nghiệp: Chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau THCS cho đến hết giáo dục trung học (sau lớp 12)… Đại đa số học sinh tốt nghiệp THCS đều tập trung vào luồng THPT và chỉ chọn con đường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề như sự lựa chọn cuối cùng. Sau THPT, tình hình cũng vậy: đại đa số tập trung vào thi cao đẳng, đại học. Tuy cơ cấu phân luồng đã có nhưng cơ chế luồng thì không, khi mà ở giáo dục THCS tuyệt nhiên không có chính sách và giải pháp cụ thể trong việc định hướng và giúp học sinh tự định hướng theo năng lực bản thân, còn giáo dục nghề nghiệp lại thiếu sức hút cần thiết. Chất lượng đào tạo ở các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ của xã hội, nên không thu hút được sự lựa chọn của học sinh sau khi học xong THCS, THPT.

Tuy ngành giáo dục đã chỉ ra được những hạn chế, yếu kém trong công tác phân luồng, hướng nghiệp; nhưng ngay tại văn bản dự thảo Đề án này, giải pháp được đưa ra vẫn còn những bất cập. Theo đó, để phân luồng sớm ngay sau cấp THCS, học sinh có thể đi theo ba luồng: tiếp tục học lên THPT, học Sơ cấp nghề, hoặc Trung cấp (ba năm).

GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) cho biết: “Thực tế cho thấy chúng ta chưa bao giờ có cơ chế phân luồng đúng nghĩa. Không có nước nào như Việt Nam là cứ để học sinh thi ĐH tự do, trong khi các cơ sở đào tạo thì mở ra ồ ạt. Cần lắm ngành giáo dục phải sớm xây dựng một cơ chế phân luồng phù hợp cho học sinh từ sớm giúp hướng nghiệp cho các em được tốt”. Đề cập giải pháp phân luồng trong dự thảo Đề án Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, ông cho rằng việc để luồng học Sơ cấp nghề ngay sau cấp THCS là không hợp lý. Bởi học xong THCS, nếu chỉ học tiếp chương trình sơ cấp (dưới một năm) thì khó bảo đảm chất lượng hành nghề, chưa nói lúc đó học sinh vẫn chưa đủ tuổi lao động.

Hy vọng rằng đề án này sẽ còn được điều chỉnh, hoàn thiện trước khi chính thức ban hành. Thế nhưng, ở cấp độ vi mô hơn là Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, ngay ở bản dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến toàn dân cũng còn nhiều điểm bất hợp lý như Nhân Dân cuối tuần đã từng đề cập: Thay vì đầu tư chiều sâu cho công tác hướng nghiệp trong nhà trường thì chương trình hướng nghiệp lại bị rút ngắn thời gian, lồng ghép trong các giờ học trải nghiệm sáng tạo. Một khi những nghịch lý trong hướng nghiệp vẫn tồn tại thì đào tạo khó lòng gắn liền với nhu cầu của đời sống.

Lúng túng giải pháp

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ khoảng 5%-10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc ra thị trường làm lao động giản đơn. Hằng năm có hơn 80% học sinh tốt nghiệp THPT thi ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, chỉ có khoảng 10% học sinh đi học nghề. Mặc dù trên thực tế, số đỗ vào các trường ĐH, CĐ chỉ khoảng 60%, nhưng số học sinh không đỗ cũng không vào các trường nghề.

Hằng ngày, các phương tiện truyền thông vẫn ra rả thông tin hàng nghìn sinh viên sau tốt nghiệp ra trường là… thất nghiệp. Đã có rất nhiều các cử nhân, thậm chí thạc sĩ phải giấu tấm bằng đỏ của mình đi để được nhận vào làm công nhân, xin làm giúp việc gia đình. Tại sao lại như vậy? Bởi chừng nào tâm lý sính bằng cấp còn ngự trị, cùng với đó là các ngành chức năng không thể cung cấp cho xã hội những dự báo, điều tra tin cậy về xu hướng nghề nghiệp, khâu phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh còn lúng túng - thì chừng đó những nghịch lý vẫn cứ tiếp tục diễn ra.

Nhận thấy những bất cập, lúng túng của công tác phân luồng; nhất là khi quy chế tuyển sinh ngày một thay đổi, cơ hội vào học ĐH, CĐ của học sinh mở ra hơn bao giờ hết, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND Thành phố cho thành lập Ban chỉ đạo phân luồng học sinh sau trung học từ cấp thành phố xuống đến cấp quận, huyện, phường (xã), khu phố (xóm, ấp); đồng thời khẩn trương chuẩn bị đề án “Phân luồng học sinh sau trung học” nhằm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí đối với học sinh học nghề, thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên và cơ sở đào tạo nghề… góp phần nâng cao hiệu quả phân luồng.

Nói về chủ trương mới mà ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đang triển khai, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận công tác phân luồng học sinh sau THPT đã có chuyển biến nhưng hiệu quả mong muốn chưa thật cao, sự lúng túng vẫn còn. Ông cho biết, mục tiêu muốn hướng đến từ nay đến năm 2020 là có 30% học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp, 50% học sinh thôi học ở THPT và 60% học sinh tốt nghiệp THPT vào hệ thống này. Tới năm 2020 có 100% người lao động phải qua đào tạo, trong đó có 50% trình độ trung cấp trở lên. “Chính vì thế, việc trình và mong UBND TP Hồ Chí Minh sớm thông qua đề án này để công tác phân luồng sớm được đẩy mạnh” - ông Thanh chia sẻ nguyện vọng.

Cũng theo vị lãnh đạo ngành giáo dục thành phố này, việc thành lập Ban chỉ đạo phân luồng học sinh sẽ giúp ngành (quận, huyện, trường) điểm “trúng huyệt” của công tác phân luồng. Từ đó giúp các trường theo dõi sát sao bước đi trên con đường học vấn của từng học sinh để kịp thời tư vấn, động viên học sinh đi học nghề (đối với những học sinh bỏ học giữa chừng ở bậc trung học; học sinh không theo kịp chương trình trung học…). Thông qua đó, ngành giáo dục sẽ khảo sát nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển đào tạo nhân lực theo khối ngành, có chính sách hỗ trợ đào tạo có địa chỉ và theo đơn đặt hàng… Từ đó, giải quyết tốt việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề.

Tuy thế, khi được hỏi - giải pháp của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đề xuất liệu có khả thi - thì vị lãnh đạo ngành này cũng chưa thể có câu trả lời rõ ràng. Thực tế sẽ trả lời câu hỏi ấy.

Tuy nhiên, với vai trò nhạc trưởng của mình, rõ ràng, Bộ GD-ĐT cần sớm nghiên cứu những phương pháp giáo dục tiên tiến, phân luồng, hướng nghiệp tiên tiến kết hợp với thực tế từ những mô hình đi đầu mang tính nhanh nhạy như của TP Hồ Chí Minh, cộng với việc tham khảo sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam để đưa ra được chương trình phân luồng, hướng nghiệp đáp ứng được thực tiễn và có tính chiến lược dài hạn. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp - một lĩnh vực then chốt đối với tương lai thế hệ trẻ.

Nhân Dân cuối tuần số 11 sẽ tiếp tục chủ đề giáo dục nghề nghiệp với việc tập trung vào phân tích những bất cập hiện nay trong đào tạo nghề và giải pháp khắc phục.

Theo kinh nghiệm phân luồng học sinh của nhiều nước phát triển, ngay sau khi tốt nghiệp THCS, chỉ khoảng 30% học sinh có nhu cầu thi đại học mới học tiếp lên bậc THPT, còn lại khoảng 70% sẽ chọn hướng học nghề.