"Quyền lực mềm" của sáng tạo

Đà Lạt (Lâm Đồng) có "quyền lực mềm", bởi những giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, kiến trúc cùng sự bặt thiệp của cư dân phố núi,... những "tài nguyên" ấy tạo nên sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Nhiều người ví rằng, Đà Lạt là đại phim trường, có sức hút mạnh với nhà làm phim, MV. Thành phố 130 tuổi này vừa mới gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Đà Lạt, điện ảnh và âm nhạc sẽ cuốn hút những bước chân lữ khách.
0:00 / 0:00
0:00
Một Đà Lạt nên thơ, nền nã, tinh khôi và mơ màng được truyền tải qua những cảnh quay trong phim Chuyến đi của thanh xuân.
Một Đà Lạt nên thơ, nền nã, tinh khôi và mơ màng được truyền tải qua những cảnh quay trong phim Chuyến đi của thanh xuân.

THÁNG năm rực rỡ là một trong chín bộ phim nằm trong danh sách cạnh tranh giải thưởng "Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ". Đây là giải thưởng riêng của tỉnh Lâm Đồng dành để trao tặng cho phim truyện có bối cảnh được quay tại thành phố Đà Lạt-Lâm Đồng, tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, tổ chức tại thành phố ngàn hoa. Trong Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Quang Dũng (sản xuất năm 2018), phố núi Đà Lạt phô diễn nét đặc trưng với những bậc thang quanh co, những đồi thông, khung cảnh lãng mạn trên hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, ga xe lửa cổ, góc cà-phê, khu chợ...

Trong serie phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, có bối cảnh quay tại Đà Lạt-Lâm Đồng còn có 100 ngày bên em, Em và Trịnh, Mối tình đầu, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Tình nhỏ làm sao quên, Ống kính sát nhân, Hạnh phúc máu và Taxi, em tên gì? Trong đó, Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là bộ phim mới nhất, sản xuất năm 2022, có nhiều cảnh quay tại phố núi Đà Lạt và bối cảnh xứ B’Lao-thành phố Bảo Lộc ngày nay.

Đà Lạt được ví là đại phim trường. Khó thống kê hết những bộ phim có những khuôn hình phiêu du dốc phố, những ô cửa biệt thự cổ, những đồi thông nghiêng trong nắng chiều, những góc quán trầm mặc, những cơn mưa như nụ hôn lên tóc và những bước chân nhàn du ngang phố… Một Đà Lạt nên thơ, nền nã, tinh khôi và mơ màng được truyền tải qua những lát cắt điện ảnh. Người Đà Lạt, khách lữ hành xem phim mà như du ngoạn phố núi, cùng những bản slow như nhịp điệu phố.

Tôi từng được nghe nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu kể, khi nhận lời và đặt bút viết kịch bản Tình người xứ hoa, 36 tập, của đạo diễn Lê Hồng Sơn, những "thước phim" Đà Lạt tự nhiên hiển hiện cùng con chữ. Bởi anh quá "thấu" Đà Lạt, hiểu Đà Lạt trong mọi ngõ ngách của tâm hồn và thực tế. Anh yêu thành phố này từ thuở "Ngẫu hứng phố" (tên bài thơ của anh đã được phổ nhạc "Ngẫu hứng Đà Lạt phố"), trong những ngày đầu đặt chân lên thành phố này. "Đà Lạt của tôi trôi trong sương giăng/ Là cánh chim đêm tìm miền đất đậu/ Đà Lạt của tôi dòng sông mặt trời/ Trễ nải trôi chín chiều mận hậu…". Tình người xứ hoa, với ca từ nhạc phim cùng tên, đã khiến bao người khắc khoải với xứ ngàn hoa.

Hồi bé, tôi được xem bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam Ván bài lật ngửa, mê nhưng chưa hiểu. Sau này xem lại mới thấy rất nhiều lần Đà Lạt hiện ra. Hễ có cảnh quay tại Đà Lạt là biết gợi cái đẹp, là không gian bảng lảng rừng thông, núi, hồ; hay dẫn câu chuyện "phiêu" hơn. Thời đó, rất nhiều phim có cảnh Đà Lạt trong đó, như nhiều đạo diễn nhận định: Đà Lạt là nơi để làm phim, là nơi "nảy" lên những nốt nhạc. Đà Lạt là một đại phim trường tự nhiên! Cố đạo diễn Lê Cung Bắc từng bảo, Đà Lạt là báu vật của trời. Đạo diễn Trần Mỹ Hà nói, cả cao nguyên Langbiang này là màu nhiệm, kỳ bí, một thứ "lâu đài thiên nhiên", thách thức sáng tạo của người nghệ sĩ.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trung bình mỗi năm, Đà Lạt-Lâm Đồng tiếp khoảng 130 đến 150 đoàn làm phim. Phó Giám đốc sở Trần Thanh Hoài lý giải: Vì sao họ chọn Đà Lạt? Đó là bởi cảnh quan thiên nhiên, là khí hậu đặc biệt. Khó có nơi nào mà diễn viên, nghệ sĩ có thể mặc các loại trang phục từng mùa trong một ngày như tại Đà Lạt. Đà Lạt đẹp quanh năm, nhất là những tháng mùa khô, mùa hoa, rất đông các nhà làm phim tìm về Đà Lạt. "Điều tuyệt vời là tất cả các điểm chúng tôi giới thiệu cho các đoàn làm phim, họ đều tạo điều kiện tối đa và người dân Đà Lạt rất ưu ái các đoàn làm phim. Những điều đó góp phần tạo nên bản sắc Đà Lạt", ông Hoài chia sẻ.

Điện ảnh và âm nhạc, hai loại hình nghệ thuật không thể tách rời. Trên thế giới và ở Việt Nam, có rất nhiều ca khúc kinh điển và bất hủ là các ca khúc nhạc phim. Nhiều ca khúc nhạc phim "thoát" khỏi phim, có sức sống mãnh liệt trong dòng chảy âm nhạc đương đại, như Let It Go của phim hoạt hình Nữ hoàng băng giá, My heart will go on phim Titanic; rồi Bài ca trên núi trong Vợ chồng A Phủ, Bỗng dưng muốn khóc trong phim cùng tên, Bài ca Đất phương Nam trong Đất Phương Nam, Mong ước kỷ niệm xưa trong phim Xin hãy tin em, A í a của phim truyền hình Cuộc đời vẫn đẹp sao, Yêu là thế ư của Hướng dương ngược nắng...

Năm nay, Liên hoan phim Việt Nam lần đầu được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, đúng dịp thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển; đồng thời, Đà Lạt vừa chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định: "Thiên nhiên, văn hóa và con người Đà Lạt đã làm cho xứ sở này trở thành thiên đường sáng tạo nghệ thuật". Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đến đây, ở đây, đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. "Qua thống kê chưa đầy đủ, đến nay có khoảng 300 bài hát viết về Đà Lạt; trong đó có những ca khúc nhạc phim", Tiến sĩ Phạm S thông tin.

Đà Lạt-phim trường, Đà Lạt-âm nhạc đang là tài nguyên quý của xứ sở này. Song, cùng với các nhà làm phim, nhạc sĩ hàng đầu trong nước, Đà Lạt cần thu hút các nhà làm phim, âm nhạc nổi tiếng thế giới để có những tác phẩm điện ảnh, âm nhạc đỉnh cao. Đó cũng chính là tham vọng của ngành văn hóa Lâm Đồng, như lời ông Trần Thanh Hoài: "Làm được điều đó, chắc chắn sẽ tạo sức hút về văn hóa và tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đồng thời giúp kích cầu du lịch".