Quang Dũng, thi sĩ của cuộc Tây tiến

NDO - Khi còn ở tuổi vị thành niên, Quang Dũng rất yêu thơ và hội hoạ, được bố mẹ dành cho một buồng riêng trong căn nhà gác thoáng rộng. Căn buồng này, chính Quang Dũng tự trang trí lấy bằng nhiều bức tranh ông tự vẽ, cả những tranh vẽ trên toan, lồng khung treo lên, cả mấy bức ông vẽ thẳng vào tường. (Người mẹ của Quang Dũng vẫn giữ gìn nguyên vẹn những bức vẽ đó suốt bao năm đằng đẵng sau này, khi Quang Dũng đi kháng chiến).

Căn buồng đó có cửa sổ, mở ra là trông thấy, gần thì nương dâu, bãi mía, xa xa là núi Ba Vì... Những hình ảnh đó sau này vào thơ ông, nhất là thời kỳ kháng chiến xa quê nhà: Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì...

Quang Dũng làm thơ từ tuổi niên thiếu, năm mười sáu tuổi đã có thơ đăng báo. Bài Chiêu Quân viết năm 1937, những câu thơ mang dấu ấn thời kỳ thơ mới phát triển cao ở giai đoạn thứ hai, nhưng vẫn có một sắc thái riêng của Quang Dũng:

Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương

Tang tình năm ngón sầu dâng lệ...

Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống

Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.

Năm hai mươi tuổi, Quang Dũng làm nghề dạy học tư, nay đây mai đó trong thành phố Hà Nội, thường giao du với những người cùng trang lứa có chí khí và có tinh thần yêu nước. Theo hồi ức của nhà thơ Trần Lê Văn, một người bạn chí cốt của Quang Dũng: 'Họ sống gắn bó, nhường cơm xẻ áo cho nhau, chuyền tay nhau đọc những cuốn sách hay, những tờ báo tiến bộ. Trong nhóm bạn bè anh hồi ấy, những người chí thân như Lê Quang Thiệu, Lương Văn Trọng, Nguyễn Ngọc Chương... có những người bị mật thám Pháp bắt và bị tù đày'. Quang Dũng là người sống rất phóng khoáng, như cách nói của Trần Lê Văn là có 'cái máu giang hồ'. Khi phát-xít Nhật nhảy vào Ðông Dương, chúng chiếm Hà Nội. Quang Dũng đã rời Thủ đô, làm thư ký ga Thị Cầu một thời gian mới trở về Hà Nội và gặp lại những người bạn đồng chí hướng.

Thế rồi Tổng khởi nghĩa. Quang Dũng tham gia Cách mạng từ 19-8-1945, làm phái viên Phòng quân vụ Bắc Bộ. Ông làm các công việc bảo vệ khí tài quân sự, đi các nơi tìm mua súng đạn. Kháng chiến bùng nổ, ông làm Chính trị viên phó Ðại đội vệ binh khu II một thời gian thì được cử đi học lớp Bổ túc quân sự ở Sơn Tây. Ðến đầu năm 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến mới được thành lập với nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp. Quang Dũng giữ chức vụ Ðại đội trưởng. Ðịa bàn hoạt động của đoàn Tây Tiến khá rộng, từ Mai Châu, Mộc Châu nước ta sang Sầm Nưa nước bạn, rồi vòng về miền núi phía tây Thanh Hóa. Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều người là học sinh cũ của các trường Sư phạm, trường Bưởi, trường Thăng Long mà Quang Dũng ít nhiều có quen biết từ trước. Ðó là những người hào hoa, vui nhộn ngay cả trong hoàn cảnh rất gian nan. Chính trong môi trường cuộc sống đoàn Tây Tiến, Quang Dũng đã có được những bài thơ hay bậc nhất cho thời đại thơ ca chiến đấu của nước Việt Nam độc lập. Mở đầu thời đại thơ ca này là Hữu Loan với bài Ðèo Cả (viết giữa năm 1946), xúc cảm to lớn, hào hùng; rồi Trần Mai Ninh với Nhớ máu (viết ngày 9-11-1946) là thiên tráng ca ngùn ngụt máu lửa; rồi đến Quang Dũng với Tây Tiến (viết năm 1948) bi hùng và hào hoa. Trước khi viết Tây tiến, năm 1947 Quang Dũng viết, Những làng đi qua đã có giọng bi hùng hoàn toàn khác thơ ông viết trước năm 1945: Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi/Tháng Chạp màn sương trùm Ðất Nước/Gió mùa chết héo mạ non xanh/Sương muối thấm vào bao đạn ướt... Có thể nói chính đời sống của thời đại mới tạo nên một thi sĩ Quang Dũng, để ông ghi lại cái hồn của cuộc sống kháng chiến:

Những làng trung đoàn ta đi qua

Lều chợ bay tro đêm lửa trại

Rạ thui bò khét cổng làng sau

Gạo thổi cơm sôi thơm ngõ ruối

Buồng chuối tiễn quân em mới cắt

Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt

Khúc hát đồng ca Vệ quốc quân

Cuối xóm trông theo vẫy mấy lần...

Bài thơ Những làng đi qua, chỉ là khúc dạo đầu của một cuộc hành binh thật lớn: Thôi nhé Miền xuôi! Thôi tạm biệt/ Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời/ Ta đi/ Ngõ Gạch - tường đang đục/ Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi/ Ta đi/ Tháp đứng nghiêm hồ lạnh/ Hoàn Kiếm đêm đêm giặc rụng rời... Ðất cũ Thăng Long người lẫm liệt. Ðó là những câu tráng ca của thi sĩ trong đoàn Tây Tiến ngoái lại phía sau. Phải gần hai năm nữa, sau bao gian lao nếm trải trên đường Tây tiến, trở lại chiến khu Phù Lưu Chanh, Quang Dũng mới viết bài thơ Nhớ Tây Tiến (Trong tập Thơ do Nhà xuất bản Vệ quốc quân Liên khu III ấn hành năm 1949 in bài thơ với đầu đề ấy. Mãi đến đầu năm 1957, khi in trong sách Rừng biển quê hương, nhà thơ mới sửa lại còn hai từ Tây Tiến): Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi... Hơi thơ đằm sâu, ngôn ngữ thơ mới lạ, đẹp đẽ. Ðó là bài thơ để đời của Quang Dũng. Ngay từ khi mới ra đời, bài thơ đã được bạn đọc trong quân đội cũng như bạn đọc rộng rãi chép truyền tay hoặc truyền miệng cho nhau. Nhiều chòi phát thanh ở các thôn xóm vùng khu III, anh em thông tin đã đọc hoặc ngâm bài Tây Tiến để cổ vũ đời sống kháng chiến:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Bài thơ viết về những chiến sĩ trong hoàn cảnh sống và chiến đấu vô cùng gian nan, ngôn ngữ thơ mạnh bạo, như tạc tượng những chiến binh: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời! Lính đoàn Tây Tiến sống liên miên trong rừng miền tây, bệnh sốt rét hoành hành; đánh trận tử vong không nhiều bằng tử vong do sốt rét. Ngày ngày đều có chiến sĩ chết vì sốt rét. Sau này, Quang Dũng có lời tự bạch rằng, Tây Tiến là bài thơ tả thật. Mỗi khi có bệnh binh chết vì sốt rét, là Trạm quân y lại đánh cồng báo cho đơn vị biết. Không mấy ngày là không có tiếng cồng, có ngày mấy lần tiếng cồng cất lên rền rĩ. Ông tả thực: Tây tiến đoàn binh không mọc tóc, là nói về bệnh sốt rét làm rụng hết cả tóc. Nhưng, một phần hiện thực nữa, là lính tự cạo trọc đầu để khi đánh giáp lá cà không bị giặc Tây nắm tóc, chỉ có lính ta túm tóc giặc. Vậy nên mới có câu tiếp theo: Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Thơ viết về sự sống chết như chuyện thường tình:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hơn 60 năm tiếp theo, Quang Dũng viết thêm được nhiều, cả thơ và văn. Cho đến trước khi qua đời ngày 14-10-1988, ông đã cho xuất bản Mùa hoa gạo (tập truyện ngắn, 1950), Bài thơ sông Hồng (truyện thơ, 1956), Rừng biển quê hương (tập thơ in chung với Trần Lê Văn, 1957), Ðường lên Châu Thuận (bút ký, 1964), Mây đầu ô (tập thơ, 1986)... Tuy nhiên, cứ nói đến Quang Dũng người đời thường  nhớ tới Tây Tiến. Có lẽ, đến Tây Tiến, Quang Dũng đã thể hiện được một bản lĩnh thơ đầy cá tính và bút lực mạnh mẽ hơn người! Ông như một giá trị của đoàn binh Tây Tiến. Hòa bình lập lại, Quang Dũng chuyển ngành, làm báo Văn nghệ, rồi làm ở Nhà xuất bản Văn học. Các bạn chiến đấu đoàn Tây Tiến vẫn thường tìm đến thăm ông. Những năm cuối đời Quang Dũng càng hay có bạn cùng binh đoàn xưa đến chơi. Vào quãng thời gian Quang Dũng đã yếu, một bạn cùng đoàn Tây Tiến là bác sĩ Lâm đến chơi. Ông Lâm mang theo băng ghi âm ca khúc Ba Vì của Quang Dũng viết thời chiến chinh mà ông nhờ một người hát, mở cho cả nhà Quang Dũng nghe, ba lần. Như hồi ức của Trần Lê Văn thì hôm đó 'Quang Dũng nghe đủ ba lần bài hát xưa của chính mình, với ba lần cười khóc'. Mấy hôm sau, một bạn Tây Tiến nữa, ông Vạn Thắng, đến thăm Quang Dũng. Ðược nghe bài hát trong băng ghi âm, ông Thắng  khen chất giọng hay, nhưng tiếc là còn thiếu mấy câu. Và ông Vạn Thắng đã hát lại đầy đủ bài ca cho bạn nghe. Bởi ca từ hay như thơ, chúng tôi ghi lại mấy dòng:

Ba Vì mờ cao

Làn sương chiều xa buông

Gió về hương núi thơm

Dâng hồn về đâu?...

Như vậy, có thể nói, con đường số phận đã đưa Quang Dũng đến với đoàn Tây Tiến. Và rồi, tài năng của ông đã khiến một phần đời sống tinh thần của đoàn binh này, qua bài thơ Tây Tiến, còn sống lâu dài trong nền văn chương nước Việt ta!