Nhà văn Hiền Trang:

Quan trọng là viết bằng tiếng Việt

Là tác giả văn học trẻ gây chú ý trong thời gian qua, trong tập truyện mới phát hành, Hiền Trang đã lấy chất liệu từ một số nhân vật kinh điển trong văn chương Việt Nam hiện đại, như Chí Phèo, chị Dậu, Xuân Tóc Đỏ, Huấn Cao để viết nên những tác phẩm phái sinh hoàn toàn mới... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị về cách thức mà người trẻ hôm nay sáng tạo trên nền tảng các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc, bắt đầu từ lĩnh vực văn chương.
0:00 / 0:00
0:00
Hiền Trang (đứng giữa) và các nhà văn đến từ nhiều quốc gia trong một buổi đọc sách ở hiệu sách Prairie Light, bang Iowa, Hoa Kỳ, tháng 10/2022. Ảnh: NVCC
Hiền Trang (đứng giữa) và các nhà văn đến từ nhiều quốc gia trong một buổi đọc sách ở hiệu sách Prairie Light, bang Iowa, Hoa Kỳ, tháng 10/2022. Ảnh: NVCC

Tìm giao điểm giữa văn chương Việt và văn chương thế giới

-Ý tưởng viết truyện với nhân vật từ tác phẩm kinh điển của văn chương Việt Nam đã đến với chị như thế nào?

- Cuối năm 2020, một số anh, chị nhà văn là biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng nhắn tôi rằng, đang đi tìm một bản thảo về các nhân vật văn học Việt Nam, liệu tôi có ý tưởng gì không… Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không biết vì sao mà khi đó, anh chị lại hỏi tôi, vì tôi tin là họ đều biết tôi như một người viết có phong cách ít gần gũi với nguồn cội, truyền thống.

Lời đề nghị ấy như đánh thức một điều gì đó trong tôi. Sau đó, tôi có cơ hội được tham gia chương trình lưu trú Viết văn quốc tế (International Writing Program) do Đại học Iowa, Hoa Kỳ tổ chức, và lần đó tôi là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á. Hơn hai tháng sống với những nhà văn đến từ nhiều nơi trên thế giới, tự nhiên có những ngày khi đi dưới khu rừng mùa thu, tôi thấy mình đang lẩm nhẩm nhạc Phạm Duy, Văn Cao. Chính những giây phút ấy khiến tôi nhận ra: dù tôi có đọc văn học nước ngoài, xem phim nước ngoài nhiều thế nào thì điều đầu tiên, tôi vẫn là người Việt Nam. Tất cả cơ duyên ấy đến cùng lúc, và tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2023-PV) thuộc về dòng chảy ngược lại cội nguồn ấy.

Tập truyện ngắn này mang một ý niệm chung: kể về những nhân vật văn học kinh điển Việt Nam qua những nhân vật không có trong tác phẩm gốc. Tất nhiên, câu hỏi khó nhất là kể thế nào trong khi tất cả họ đều là những nhân vật đã đi vào bảo tàng ký ức chung của người Việt Nam.

Khi tôi viết thử truyện đầu tiên mang tên Lời nguyền làng Vũ Đại, có một suy nghĩ bỗng nảy lên trong tôi: làng Vũ Đại của Nam Cao có những nét giống với ngôi làng Macondo trong tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Trăm năm cô đơn của G.G.Márquez. Và tôi tưởng tượng ra một đứa cháu chắt của Chí Phèo (vì câu chuyện gốc kết thúc bằng chi tiết nhân vật Thị Nở đang mang thai) trong liên tưởng tới lời nguyền chiếc đuôi lợn trong dòng tộc Buendía... Tôi dùng phong cách hiện thực huyền ảo để kể lại Chí Phèo. Cùng một dòng suy nghĩ tìm những giao lộ giữa văn chương Việt Nam và các ngả đường văn chương thế giới, tôi đã viết phần còn lại của cuốn sách này.

- Chị từng có những ngần ngại nào về phản ứng của bạn đọc khi đặt những nhân vật kinh điển của văn chương Việt Nam vào bối cảnh hoàn toàn khác xa nguyên gốc?

- Khi viết văn, tôi tự cho mình cái "lệnh bài" miễn nghĩ về người khác, có chăng, chỉ nghĩ về một người đọc lý tưởng, không có thật của mình mà thôi. Còn đến khi hoàn tất, tôi lại cho mình cái "lệnh bài" miễn nghĩ tiếp về bản thảo. Thành ra, khi nhận lời phê bình, tôi không quá buồn, sợ. Khi được khen, tôi cũng không lấy đó làm quá hãnh diện. Họ khen, chê tác phẩm, mà tác phẩm có khả năng là một thế giới riêng.

Trong cuốn Chopin biến mất, tôi viết phần nào dựa trên suy nghĩ nói trên. Trong cuốn sách này, có một thế giới cho những mảnh linh hồn của các nhà sáng tạo sống. Ngay khi họ viết xong một tác phẩm, họ đã xẻ một mảnh linh hồn ấy ra. Những mảnh linh hồn trôi dạt về thế giới ấy, nó là một phần của tác giả, nhưng không phải tác giả trọn vẹn.

- Đúng là các truyện trong Những khán giả ngồi trong bóng tối hoàn toàn khác biệt với tác phẩm gốc, tuy vậy, thông điệp trong truyện của chị dường như là sự nhắc lại tư tưởng các nhà văn đi trước. Chị nghĩ sao về nhận xét: sáng tạo của chị chưa triệt để?

- Tôi nghĩ văn chương từ khai thiên lập địa đến giờ đều là ngần ấy chủ đề, tình yêu-hận thù, hòa bình-chiến tranh, tốt-xấu, thiện-ác… Có lẽ, vọng tưởng xa vời nhất mà tôi có trong văn chương là tôi muốn nói chuyện với những nhà văn đi trước trong tâm tưởng của mình.

Mặc dù thế, tôi vẫn tin, thi thoảng mình cũng đã tìm được một điều gì đó trong những tác phẩm xưa. Truyện Lời thỉnh cầu của một con voi, lấy cảm hứng từ Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, thay vì kể với góc độ tình cha con, tôi nhìn từ góc độ sinh thái-về sự hiến mình của một con voi cho một người lính để anh có thể làm nên chiếc lược cho con gái. Hay trong Hiệp sĩ ngựa người, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan, tôi muốn sự suy thoái người thành ngựa không chỉ là nghĩa bóng, mà còn là một sự biến hình theo nghĩa đen.

Ðể người trẻ tự nhận ra nơi họ thuộc về

- Gần đây, xuất hiện xu hướng khai thác kho tàng văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, tìm chất liệu cho sáng tác mới ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tập truyện của chị phải chăng nằm trong trào lưu đó?

- Người quan sát hoàn toàn có thể đặt Những khán giả ngồi trong bóng tối vào dòng chảy đó, mặc dù khi viết, tôi không có suy nghĩ này. Vì sao lại có lòng mong muốn được trở về những giá trị truyền thống, tôi nghĩ chúng ta đã qua rồi cái giai đoạn mặc cảm với những thứ bên ngoài. Ngày xưa, không phải ai cũng có điều kiện đi nước ngoài và thế là, cái thế giới bên ngoài có vẻ lộng lẫy lắm. Nhưng bây giờ khi ta đi rồi, ta mới biết thật ra, cái ta muốn là người Việt Nam. Dù ta có cố gắng bắt chước họ thế nào thì ta cũng không là họ, vậy tại sao ta không là chính mình?

- Nhưng vẫn có một thực tế khác là, người trẻ Việt Nam vẫn thường nói về phim Mỹ, đọc văn Murakami và vui thích khi xem Blackpink… hơn là quan tâm nhiều đến điện ảnh, văn chương, nhạc nhẹ Việt Nam đương đại. Thực tế này khiến chị, cùng là một người trẻ, suy nghĩ gì?

- Cá nhân tôi cũng đọc Murakami và nghe một chút Blackpink, những trải nghiệm ấy mang lại cho tôi nhiều điều. Từ "công dân toàn cầu" có lẽ là một từ ngữ hơi sáo rỗng, nhưng có lẽ, giờ đây, con người sống trong thế giới này thật khó giữ được "sự nguyên bản". Mà nguyên bản là gì? Tôi vẫn nhớ khi lần đầu đọc tác phẩm của F. Kafka (1883-1924, nhà văn đa quốc tịch nổi tiếng thế giới-PV), tôi cảm thấy như thể nếu tên nhân vật là tên người Việt Nam thì tôi cũng thấy chẳng có gì khập khiễng. Có những nhà văn như thế, họ từ chối mọi ranh giới. Nhưng cũng có những nhà văn mà chúng ta chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của họ trong đúng ngôn ngữ họ viết, trên đúng bối cảnh vùng đất của riêng họ.

Có lần, tôi chia sẻ với nhà phê bình Phạm Xuân Thạch về một mặc cảm xa cách với truyền thống của mình, anh đã an ủi tôi rằng: tây hay ta, thành phố hay nông thôn không quan trọng, quan trọng là viết bằng tiếng Việt, và việc của ta là làm sao tạo được mỹ cảm theo cách nào đó cho ngôn ngữ ấy, không có gì phải mặc cảm cả. Thế mà một người đầy mặc cảm như tôi giờ đây cũng đã muốn quay trở lại với cái gì tạo nên mình. Cho nên, tôi nghĩ, cứ để các bạn trẻ tự nhiên đọc, tự nhiên sống và đến một ngày, tự nhiên, các bạn nhận ra mình thuộc về đâu.

- Cảm ơn chị về một cuộc chuyện trò cởi mở!

Hiền Trang được bạn đọc cả nước biết đến sau khi tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2018) được trao giải ba-Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ sáu (2015-2018), do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Năm 2022, chị tiếp tục được trao giải tư của Giải thưởng này, với tiểu thuyết Chopin biến mất (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2022). Chị đồng thời là một dịch giả và diễn giả ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật được giới trẻ Việt Nam yêu thích.